Huyện Tân Hưng, Long An

Phấn đấu có gần 16.000ha lúa chất lượng cao vào năm 2025

Sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao được huyện Tân Hưng (tỉnh Long An) chú trọng đầu tư, phát triển thời gian qua, đã cho năng suất, lợi nhuận tăng cao so với sản xuất bình thường. Kết quả này đang tạo đà để huyện tiếp tục phát huy, ứng dụng vào Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” (gọi tắt là Đề án) sắp tới. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 sẽ có gần 16.000ha lúa sản xuất theo Đề án.

Nhiều người dân đến xem mô hình điểm sản xuất lúa bền vững tại Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Tân (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An)
Nhiều người dân đến xem mô hình điểm sản xuất lúa bền vững tại Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Tân (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An)

Phát huy kết quả

Ông Lê Thành Yên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng, cho biết, trên cơ sở quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ và các quyết định triển khai thực hiện Đề án của Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Long An, ngày 9-5-2024, UBND huyện Tân Hưng có kế hoạch cụ thể thực hiện Đề án. Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2025, huyện Tân Hưng tập trung triển khai các mô hình điểm trên địa bàn huyện với tổng diện tích khoảng 120ha.

Trong đó, năm 2024, UBND huyện Tân Hưng đã phối hợp với Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và quản lý chất lượng nông sản tỉnh Long An thực hiện mô hình điểm 15ha sản xuất lúa bền vững, tiên tiến tại Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Tân (xã Hưng Thạnh) với 4 hộ dân tham gia. Những hộ này sử dụng giống lúa OM18 để gieo sạ. Về kỹ thuật sản xuất, các hộ nông dân sử dụng máy sạ hàng khí động hiệu ứng hàng biên kết hợp vùi phân. Ngoài ra, quá trình canh tác, nông dân áp dụng đúng quy trình theo Quyết định 145/QĐ-TT-CLT ngày 27-3-2024 của Cục Trồng trọt, cụ thể: sử dụng lượng giống gieo sạ 80kg/ha, lượng phân 200kg/ha. Với phương pháp sản xuất này, nông dân vừa giảm được lượng giống, vừa bảo đảm việc không bón phân trong 45 ngày đầu gieo sạ. Đến nay, lúa gieo sạ theo mô hình điểm khoảng 76 ngày tuổi đang phát triển tốt.

Từ nay đến năm 2025, huyện Tân Hưng xây dựng 4 mô hình điểm (sản xuất 2 vụ/mô hình) với diện tích 100ha. Trong đó, Hợp tác xã Gò Gòn (xã Hưng Thạnh) thực hiện trên diện tích 25ha với 6 hộ tham gia, sử dụng giống lúa Đài Thơm 8, gieo sạ ngày 15-11-2024; tại Hợp tác xã nông nghiệp Hưng Tân (xã Hưng Thạnh) và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thạnh Hưng (xã Thạnh Hưng), cùng diện tích là 25ha, mỗi mô hình có 6 hộ tham gia, cùng sử dụng giống lúa OM18, gieo sạ ngày 15-11-2024. Tương tự, tại Hợp tác xã nông nghiệp Tân Long (xã Hưng Hà), có 7 hộ dân tham gia trên diện tích 25ha, gieo sạ giống lúa OM18, dự kiến ngày sạ lúa là 13-12-2024. Trong vụ đông xuân 2024-2025, 4 mô hình điểm này sẽ được địa phương hỗ trợ kinh phí sản xuất khoảng 1,2 tỷ đồng và trong vụ hè thu 2025 sẽ hỗ trợ khoảng 1 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng Lê Thành Yên cho hay, để thực hiện Đề án hiệu quả, UBND huyện đã yêu cầu các xã, hợp tác xã, nông dân làm điểm cần thực hiện tốt, đúng, đủ các điều kiện trong quy trình sản xuất. Hợp tác xã giữ vai trò quan trọng trong sản xuất lúa theo Đề án, cụ thể là giữ vai trò đầu mối trong liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Ngoài ra, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia thực hiện Đề án ngày càng nhiều hơn.

Quy hoạch đất sạch

Ông Huỳnh Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng, cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ VI (nhiệm kỳ 2020-2025) của huyện Tân Hưng xác định phát triển nông nghiệp là thế mạnh của địa phương, nhất là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Do đó, huyện phấn đấu đến năm 2025 phải đạt 15.550ha lúa sản xuất theo mô hình ứng dụng công nghệ cao như Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thời gian qua, việc thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Tân Hưng từng bước khẳng định hướng đi phù hợp với xu hướng phát triển của ngành nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực sản xuất lúa. Bởi sau một thời gian triển khai, mô hình đã hình thành nên các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, chất lượng cao, gắn sản xuất với thị trường; chứng minh được sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả hơn sản xuất truyền thống. Cụ thể là giảm được lượng giống, phân bón, thuốc trừ sâu bệnh... từ đó giảm được chi phí, tăng lợi nhuận so với phương thức sản xuất truyền thống.

Cũng theo ông Huỳnh Thanh Hiền, để chương trình phát triển tốt, ngoài việc vận động người dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ chức lại sản xuất cho phù hợp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế và thân thiện môi trường, địa phương cũng đã quy hoạch tạo ra nguồn lớn đất sạch, tập trung để kêu gọi, liên kết với các doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất lúa chất lượng cao. Cụ thể, hơn 850ha đất công ở ấp Láng Biển, xã Hưng Điền, hiện đang giao khoán, cho người dân thuê sản xuất nông nghiệp nhưng kém hiệu quả, huyện đã quy hoạch sử dụng diện tích đất này để kêu gọi, liên kết với các doanh nghiệp đến đầu tư sản xuất lúa chất lượng cao, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và nhất là tránh lãng phí nguồn đất công.

Tin cùng chuyên mục