Cả nước hiện có 365 điểm du lịch nông thôn (chủ yếu là mô hình du lịch cộng đồng). Cùng với du lịch cộng đồng, theo ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ở khu vực nông thôn hiện còn các loại hình như du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái và du lịch làng nghề. Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ NN-PTNT đã triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và hiện cả nước có hơn 4.900 sản phẩm OCOP; trong đó có 37 sản phẩm được khai thác du lịch.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương, để thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn cần có chính sách quan tâm đồng bộ. Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có chính sách tổng thể về du lịch nông thôn ở cấp quốc gia mà chỉ dừng lại ở mức “lồng ghép” với các chương trình đặc thù của địa phương.
Để thực hiện Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cần quy hoạch phát triển du lịch nông thôn đồng bộ với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, hướng đến khai thác sự khác biệt về văn hóa, cảnh quan sinh thái để tạo những sản phẩm mới, hấp dẫn thị trường; đa dạng sản phẩm để đa dạng các trải nghiệm, thu hút và tăng chi tiêu, kéo dài thời gian lưu trú của du khách trong và ngoài nước.
Theo đề án Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 do Bộ NN-PTNT và Bộ VH-TT-DL xây dựng, mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành quy hoạch mạng lưới điểm du lịch nông thôn với ít nhất 200 dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; ít nhất 50% làng nghề truyền thống tham gia vào chuỗi giá trị du lịch nông thôn…