Tiếp nối các nghị quyết số 19 trước đây, mục tiêu của Nghị quyết 02/NQ-CP/2019 là nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong các xếp hạng quốc tế của WB (Ngân hàng thế giới), WEF (Diễn đàn kinh tế thế giới), WIPO (Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới), UN (Liên Hợp Quốc) về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh; đưa nước ta vào nhóm ASEAN 4.
Theo đó, trong năm 2019, nâng xếp hạng Môi trường kinh doanh - EoDB (của WB) tăng 5 - 7 bậc; xếp hạng Năng lực cạnh tranh - GCI 4.0 (của WEF) tăng 3 - 5 bậc; xếp hạng Đổi mới sáng tạo - GII (của WIPO) lên từ 2 - 3 bậc... Các chỉ số trong nhiều lĩnh vực then chốt như logistics (của WB), du lịch (của WEF), Chính phủ điện tử (của UN)… cũng đã được lượng hóa trong Nghị quyết.
Đáng lưu ý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, trách nhiệm của các bộ được phân công làm đầu mối tiếp tục được nêu rõ ngay trong nhóm nhiệm vụ và giải pháp đầu tiên của Nghị quyết.
Trong đó, phân công cụ thể các bộ đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số như sau: Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Môi trường kinh doanh của WB và Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của WEF; Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo của WIPO và nhóm chỉ số Công nghệ và Đổi mới sáng tạo theo đánh giá Mức độ sẵn sàng cho sản xuất tương lai của WEF; Bộ Công thương làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Hiệu quả logistics của WB; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh du lịch của WEF; Bộ Thông tin và Truyền thông làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử của UN.
Về bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi trước quý III năm 2019; đẩy nhanh tiến độ soạn thảo Luật sửa đổi các luật có liên quan trình Chính phủ để trình Quốc hội bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt; công bố đầy đủ các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, các điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa trong năm 2018.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện đảm bảo thực thi đầy đủ điều kiện kinh doanh đã bị bãi bỏ, những nội dung được đơn giản hóa của các quy định về điều kiện kinh doanh; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định của pháp luật; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định mới về điều kiện kinh doanh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đánh giá mức độ thay đổi và tác động thực chất đối với doanh nghiệp của những cải cách, bãi bỏ đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh do các bộ, ngành thực hiện năm 2018; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2019; theo dõi, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh ở các bộ, ngành, địa phương; định kỳ hàng quý báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết ngay các chậm trễ, sai lệch, biến tướng và các vấn đề mới phát sinh; chủ trì xây dựng, trình Chính phủ Đề án cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư trong quý IV năm 2019.