Tập huấn, hướng dẫn chi tiết các đầu việc
Ngày 30-6, lãnh đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TPHCM thông tin, Công an TPHCM tập trung tập huấn, hướng dẫn lực lượng công an cơ sở trong việc triển khai thực hiện Luật Cư trú năm 2020. Ngoài công tác tập huấn hướng dẫn về lý thuyết, Phòng PC06 còn tập huấn thực hành trên các phần mềm về quản lý cư trú để từng cán bộ, chiến sĩ nắm chắc, sử dụng chính xác, hiệu quả để phục vụ người dân thật tốt.
Theo lãnh đạo Phòng PC06, quy định mới có sự thay đổi về thẩm quyền đăng ký cư trú. Trong đó thẩm quyền đăng ký cư trú được phân cấp về cho lực lượng công an xã, phường, thị trấn. Do đó, Công an TPHCM tập trung tập huấn, hướng dẫn chi tiết các đầu việc cho lực lượng công an xã, phường thị trấn. Về phương thức quản lý, sử dụng công nghệ để quản lý dân cư, như phần mềm quản lý cư trú và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC). Do đó, ngoài tập huấn lý thuyết, còn tập huấn thực hành sử dụng các phần mềm này cho lực lượng công an cơ sở. Đặc biệt là lực lượng cảnh sát khu vực, lực lượng tham gia tiếp dân ở cấp xã, phường, thị trấn khi người dân đến đăng ký cư trú, thay đổi cư trú…
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lãnh đạo Phòng PC06 cho biết, Bộ Công an và Công an TPHCM đã chỉ đạo tập trung tập huấn trực tuyến, xây dựng các video clip hướng dẫn cho cơ sở để vừa đảm bảo công tác triển khai luật mới lẫn công tác phòng chống dịch Covid-19. “Cán bộ chiến sĩ rất quyết tâm để thực hiện tốt nhiệm vụ này”, lãnh đạo Phòng PC06 khẳng định.
Không ảnh hưởng việc học của các em
Luật Cư trú 2020 có hiệu lực, một số trường hợp khi đăng ký cư trú làm thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ bị thu hồi sổ hộ khẩu (theo khoản 3, điều 38 Luật Cư trú 2020). Khi đó, các giao dịch, thủ tục hành chính sẽ bị ảnh hưởng như đăng ký nhập học, đăng ký xe, hồ sơ nhà đất, đăng ký đồng hồ điện, nước… Hiện nay người dân rất quan tâm chuyện học hành của con, nhất là trẻ dưới 14 tuổi, chỉ có mã định danh cá nhân mà không có thông tin cư trú. Tương tự, việc đăng ký định mức điện nước, làm hồ sơ nhà đất… vẫn cần sổ hộ khẩu.
Do đó, người dân đề nghị giải pháp tạm là, học sinh dưới 14 tuổi chưa có CCCD để xác định thông tin cư trú thì khi các em làm các thủ tục thi cử, nhập học phải sử dụng thông tin cư trú của cha mẹ, người giám hộ. Trường hợp cần thiết, cha mẹ, người giám hộ có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin cư trú của con mình bằng văn bản (có ký, đóng dấu) hoặc văn bản điện tử (có chữ ký số). Ngoài ra, khi thực hiện các giao dịch về nhà đất, điện, nước… cần có thông tin cư trú của người dân thì có thể yêu cầu cung cấp văn bản xác nhận như trên. Đó là giải pháp tạm, về sau cơ quan liên quan phải truy xuất trực tiếp dữ liệu thông tin cư trú mới có thể thực hiện các giao dịch có liên quan đến nơi cư trú công dân.
Về việc này, lãnh đạo Phòng PC06 cho biết, hệ thống CSDLQGVDC do Bộ Công an xây dựng chính thức vận hành từ 1-7-2021 sẽ kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ sở chuyên ngành. Trường hợp người dân làm các giao dịch hành chính sử dụng thông tin về cư trú mà các cơ sở chuyên ngành chưa kết nối với cơ sở dữ liệu, có thể đề nghị cơ quan quản lý CSDLQGVDC cung cấp thông tin về cư trú theo quy định để có cơ sở thực hiện giao dịch. Hiện tại, đã có một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành sẵn sàng kết nối như: Văn phòng Chính phủ (Cổng dịch vụ công quốc gia); Bộ TT-TT; Bộ Tài chính (mã số thuế); Bộ Tư pháp (cấp số định danh cá nhân cho trẻ em); Bảo hiểm xã hội Việt Nam và UBND 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo Công an TPHCM, thông tin cư trú của người dân đã có trên CSDLQGVDC. Do vậy, giao dịch của người dân có liên quan đến thông tin cư trú sẽ được sử dụng trên CSDLQGVDC. Khi người dân đi làm các thủ tục hành chính, theo quy định sẽ sử dụng mã số định danh cá nhân để cập nhật vào CSDLQGVDC (mã định danh cá nhân chính là số CCCD). |