Phân cấp, phân quyền trọn gói cho địa phương

Thảo luận về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (tỉnh Quảng Trị) đồng tình với giải pháp phân cấp, phân quyền trọn gói cho các địa phương, mạnh dạn bỏ các quy định về các tiêu chí, nguyên tắc cứng để thuận lợi cho quá trình triển khai, góp phần đưa các chương trình, chính sách sẽ đi vào cuộc sống sớm nhất.

Chiều 30-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội (ĐB) Hà Sỹ Đồng (tỉnh Quảng Trị) nhìn nhận, các chương trình mục tiêu quốc gia rất phù hợp, đúng chủ trương nghị quyết của Đảng, cũng như sự mong đợi của nhân dân…

Đặc biệt, thành công nhất là chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đã giúp cho bộ mặt của nông thôn ngày càng khởi sắc, hình thành được nhiều vùng quê đáng sống…

ĐB Hà Sỹ Đồng phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Hà Sỹ Đồng phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC

Tuy nhiên, theo ĐB, hiện nay, việc thực hiện các chương trình còn nhiều vướng mắc, xung đột giữa các văn bản, sự phối hợp chưa đồng bộ… dẫn đến kết quả giải ngân chậm, khó thực hiện.

Do vậy, ĐB đồng tình với giải pháp phân cấp, phân quyền trọn gói cho các địa phương, mạnh dạn bỏ các quy định về các tiêu chí, nguyên tắc cứng để thuận lợi cho quá trình triển khai, góp phần đưa các chương trình, chính sách sẽ đi vào cuộc sống sớm nhất.

Phát biểu tranh luận trong phiên họp, ĐB Dương Văn Phước (tỉnh Quảng Nam) nhìn nhận, mục tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia đều hướng đến người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo…

ĐB Dương Văn Phước phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Dương Văn Phước phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC

Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện các chương trình này, trong đó kết quả giảm nghèo vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo còn cao. Đời sống người dân ở các nơi này vẫn gặp muôn vàn khó khăn. Khoảng cách giàu nghèo giữa các khu vực, vùng miền, địa phương càng lớn.

“Hình ảnh cháu bé phản ánh mỗi tuần, cháu chỉ mang 2 cân gạo nên chỉ ăn ít thôi, thật là đau lòng”, ĐB Dương Văn Phước nêu thực tế và cho rằng, điều này đáng để chúng ta suy nghĩ, trăn trở: Tại sao chúng ta có tiền, có quyền tạo ra cơ chế, chính sách, song sau lại triển khai khó đến thế?

Từ đó, ĐB Dương Văn Phước đề nghị, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương hãy hành động, hành động nhiều hơn, quyết liệt và thực chất hơn nữa để giải quyết những vướng mắc, bất cập hiện nay trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, để đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.

Về báo cáo kết quả giám sát đã chỉ ra công tác giảm nghèo chưa thật sự đạt mục tiêu đa chiều, bền vững, nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo còn cao, ĐB Hoàng Quốc Khánh (tỉnh Lai Châu) nhìn nhận, một số địa phương khó khăn đã được công nhận nông thôn mới vẫn còn tình trạng nợ tiêu chí, hụt tiêu chí, trong đó có nhiều tiêu chí quan trọng.

Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia, chiều 30-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia, chiều 30-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Bên cạnh đó, ĐB Hoàng Quốc Khánh chỉ ra báo cáo giám sát chưa đánh giá đầy đủ số liệu đến thời điểm hiện nay có bao nhiêu tỉnh, huyện, xã đạt nông thôn mới giai đoạn 2015-2020 nợ tiêu chí, hụt tiêu chí. Mục đích giám sát là để đánh giá thực chất kết quả xây dựng nông thôn mới, tránh tình trạng chạy theo số lượng.

Bởi lẽ, theo ĐB, khi đã đạt chuẩn nông thôn mới, những chính sách xã hội về giáo dục, y tế, an sinh xã hội bị cắt giảm do không còn là đối tượng được hưởng chính sách, trong khi đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo còn cao, nhiều địa phương vẫn phải bố trí ngân sách để hỗ trợ.

Do vậy, ĐB đề nghị Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể hơn trong thu hồi quyết định công nhận nông thôn mới với các địa phương được công nhận từ giai đoạn trước nhưng hụt tiêu chí, nợ tiêu chí, không đạt tiêu chuẩn theo quy định hiện nay.

Chính sách hướng đến người yếu thế

ĐB Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) cho rằng, có nhiều loại hộ nghèo khác nhau với các nguyên nhân nghèo khác nhau như: Nghèo do không có vốn, không có đất canh tác, do già, ốm đau, tai nạn không có sức lao động, do thiếu kiến thức, kỹ năng, do không chăm chỉ.

Để chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất phát huy hiệu quả, ĐB cho rằng, chính sách hỗ trợ nên hướng tới các doanh nghiệp, hộ gia đình có năng lực sản xuất, còn chính sách an sinh xã hội, trợ giúp hộ đói, hộ nghèo nên hướng tới các đối tượng là người già, người yếu thế không có khả năng lao động, người dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…

Tin cùng chuyên mục