Phân cấp để tăng tính chủ động cho địa phương

Để thúc đẩy cải cách hành chính (CCHC) thiết thực hơn, nhiều quận huyện đã kiến nghị UBND TPHCM rà soát, sửa đổi, bổ sung các quyết định phân cấp theo hướng tăng tính chủ động thực hiện nhiệm vụ cho địa phương, như: thẩm quyền phê duyệt vị trí việc làm của các cơ quan chuyên môn thuộc quận, xét điều kiện bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp...

Công chức Sở LĐTB-XH TPHCM giải quyết thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TPHCM. Ảnh: ĐÔNG SƠN
Công chức Sở LĐTB-XH TPHCM giải quyết thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính TPHCM. Ảnh: ĐÔNG SƠN

Việc vẫn trôi chảy dù vắng lãnh đạo

Là địa phương đông dân nhất quận 12 với khoảng 110.000 người, hàng ngày, phường Hiệp Thành (quận 12) tiếp nhận, giải quyết lượng hồ sơ gấp 2-3 lần các phường lân cận, nhất là hồ sơ lĩnh vực tư pháp. Để giải quyết nhanh hơn hồ sơ tư pháp cho người dân, UBND phường Hiệp Thành đã ủy quyền cho công chức tư pháp có thời gian công tác từ 3 năm trở lên ký sao y. Như vậy, trong trường hợp lãnh đạo UBND phường bận họp hoặc đi cơ sở, công chức tư pháp có quyền ký sao y chứng thực cho người dân. Chủ tịch UBND phường Hiệp Thành Phạm Trung Hiếu cho biết, người dân rất đồng thuận với công tác ủy quyền này. Bởi sau khi ủy quyền, việc giải quyết hồ sơ cho người dân nhanh hơn, công chức có thể trả kết quả ngay tại chỗ, người dân không cần chờ đợi như trước.

Tại buổi giám sát của HĐND TPHCM về cải cách tổ chức bộ máy, chế độ công vụ hồi giữa tháng 5, Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Văn Đức cho biết, qua cải cách, bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn. Các đầu mối được sắp xếp gọn, nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị. Việc tăng cường phân cấp, ủy quyền đã tạo thuận lợi cho chính quyền địa phương, tháo gỡ nhiều khó khăn, nhất là trong công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đức cho rằng, có một số nội dung được ủy quyền nhưng địa phương vẫn phải xin ý kiến sở, ngành khi thực hiện. Điều này dẫn đến việc thực hiện nội dung ủy quyền còn khó khăn, công việc chưa trôi chảy. Vì vậy, Chủ tịch UBND quận 12 kiến nghị UBND TPHCM rà soát, sửa đổi, bổ sung các quyết định phân cấp theo hướng tăng tính chủ động thực hiện nhiệm vụ cho quận, huyện như: thẩm quyền phê duyệt vị trí việc làm của các cơ quan chuyên môn thuộc quận, xét điều kiện bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp...

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Phan Kiều Thanh Hương, để cải thiện các chỉ số CCHC, thành phố tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính, tái cấu trúc quy trình nội bộ, giảm bớt khâu trung gian; rà soát, tháo gỡ những rào cản về cơ chế. Đồng thời, UBND TPHCM cũng đã mạnh dạn phân cấp, ủy quyền một số nội dung cho các sở, ngành, quận huyện nhằm tăng tính chủ động cho cơ sở trong giải quyết công việc. Trong đó, UBND TPHCM đã ủy quyền cho UBND quận, huyện điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu (trừ TP Thủ Đức) để phục vụ dự án đầu tư công theo địa bàn quản lý; ủy quyền cho UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện quyết định giá đất cụ thể và thành lập hội đồng thẩm định giá đất.

X3a.jpg
Công chức bộ phận một cửa UBND quận 12, TPHCM giải quyết hồ sơ cho người dân. Ảnh: ĐÔNG SƠN

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TPHCM ủy quyền cho chủ tịch UBND các quận quyết định đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm C trước đây sử dụng nguồn vốn ngân sách quận hoặc sử dụng vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách TPHCM cho ngân sách quận. Chủ tịch UBND TPHCM đã yêu cầu UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện rà soát, đề xuất UBND TPHCM chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các sở, ngành cho địa phương mình thực hiện.

Thường xuyên kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu

Theo kết quả công bố của Bộ Nội vụ, năm 2023, chỉ số CCHC của TPHCM xếp hạng 33/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so với năm 2022 và tăng 10 bậc so với năm 2021. Còn chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính TPHCM đứng thứ hạng 36, tăng 7 bậc so với năm trước. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu quan trọng TPHCM còn xếp cuối bảng, như chỉ số cải cách thể chế đứng thứ 63/63 tỉnh, thành phố; chỉ số cải cách thủ tục hành chính đứng thứ 60/63 và cải cách tổ chức bộ máy đứng thứ 56/63.

Để tiếp tục cải thiện thứ hạng của TPHCM trên bảng xếp hạng, cải thiện các chỉ số còn thấp, thời gian qua, UBND TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương. Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, vấn đề mấu chốt vẫn là ở cán bộ trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, nơi nào người đứng đầu quan tâm chỉ đạo quyết liệt thì đạt được kết quả tốt. Vì vậy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm với lãnh đạo TPHCM về thực hiện CCHC. Nhất là việc nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Thời gian qua, vẫn còn tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức thực hiện các quy định, quy chế, kỷ luật, kỷ cương hành chính, việc thực thi công vụ tại một số cơ quan, đơn vị còn chưa nghiêm. Cụ thể, năm 2023 có 8 cán bộ, 84 công chức và 145 viên chức bị xử lý kỷ luật. “TPHCM sẽ thường xuyên kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân tại các sở, ban, ngành, địa phương”, ông Võ Văn Hoan khẳng định.

Việc nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, công tác phối hợp giải quyết hồ sơ, công việc giữa các sở, ngành, địa phương và trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị cũng được Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhiều lần nhắc nhở trong các cuộc họp với sở, ban, ngành, địa phương. Theo đồng chí Phan Văn Mãi, người đứng đầu cần phân tích, kiểm điểm, tìm cách khắc phục đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giải quyết hồ sơ, xử lý nghiêm các đơn vị liên quan chậm trễ, không phối hợp khi được lấy ý kiến.

Tin cùng chuyên mục