Đây cũng là văn bản dưới luật tiếp theo sau khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2023 với mục đích tạo hành lang pháp lý vững chắc, cởi mở cho hoạt động điện ảnh.
Theo dự thảo, thông tư gồm 7 điều, quy định điều kiện cấp Giấy phép phân loại phim phổ biến trong hệ thống rạp chiếu, tại địa điểm chiếu phim công cộng của UBND cấp tỉnh. Thông tư này áp dụng đối với UBND cấp tỉnh và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động cấp Giấy phép phân loại phim phổ biến trong hệ thống rạp chiếu, tại địa điểm chiếu phim công cộng. Trong các điều kiện để cấp Giấy phép phân loại phim của UBND cấp tỉnh, ngoài việc đảm bảo các quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định, thông tư còn yêu cầu "Năm trước liền kề, cơ sở điện ảnh có trụ sở chính trên địa bàn tỉnh sản xuất ít nhất 30 phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình được phép phổ biến trong rạp chiếu phim".
Hiện nay, việc cấp giấy phép phân loại, phổ biến phim trong hệ thống rạp chiếu vẫn do Hội đồng thẩm định, phân loại phim của Bộ VH-TT-DL thực hiện. Đối với phim truyền hình hay phim chiếu trên không gian mạng, quyền chủ động được giao cho các đài truyền hình và chủ thể là các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp tự thành lập hội đồng, có cơ chế phân loại phim.
Trên thực tế, trong quá trình lấy ý kiến góp ý cho Luật Điện ảnh sửa đổi, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh từng đề nghị nên phân cấp, phân quyền công tác cấp giấy phép, phân loại phim. Điều này một mặt giảm tải cho Hội đồng quốc gia, đẩy nhanh quá trình phân loại và cấp phép, đồng thời trao quyền chủ động cho địa phương, nhất là thị trường lớn như TPHCM, Hà Nội. Điểm b, khoản 1, điều 27 của Luật Điện ảnh sửa đổi đã quy định nhưng còn khá chung chung: “UBND cấp tỉnh được cấp giấy phép phân loại phim khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL”.
Việc phá bỏ thế “độc quyền” trong cấp phép, phân loại phim thiết nghĩ phù hợp với xu thế phát triển khi các đơn vị sản xuất có nhiều lựa chọn hơn trong xin cấp phép, phân loại phim.
Các yêu cầu trong dự thảo thông tư, một mặt thúc đẩy các cơ sở sản xuất phim trên địa bàn tỉnh gia tăng về số lượng để đảm bảo yêu cầu, đồng thời đặt ra nhiều thách thức trong việc tổ chức thành lập và duy trì hoạt động một hội đồng thẩm định ở địa phương.
Các quy định trong dự thảo thông tư do đang lấy ý kiến nên còn không ít điều cần được chi tiết, cụ thể hóa để tạo thuận lợi trong quá trình thực thi...
Theo kế hoạch, dự thảo lấy ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân từ ngày 1-8 đến 1-10 trước khi có hiệu lực chính thức từ 1-1-2024.