Thừa ủy quyền Chính phủ trình bày tờ trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), chiều 10-10, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân nhận định, tính chung trong phạm vi cả nước, kết quả thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất nhìn chung còn thấp, cần thiết phải điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Từ tình hình thực tế, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành, Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV như sau: điều chỉnh 8 chỉ tiêu sử dụng đất gồm: nhóm đất nông nghiệp (trong đó có các loại đất: đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên); nhóm đất phi nông nghiệp (trong đó có các loại đất: đất quốc phòng, đất an ninh); không trình Quốc hội phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất quốc gia.
“Việc tính toán, xác định 8 chỉ tiêu sử dụng đất trong Quy hoạch sử dụng đất quốc gia điều chỉnh lần này cần phải tiến hành rà soát kỹ lưỡng, cân đối các chỉ tiêu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực và địa phương; trong đó, ưu tiên bố trí quỹ đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh, giữ ổn định quỹ đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, quản lý chặt chẽ đất rừng, duy trì độ che phủ rừng để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững”, Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân nêu rõ.
Cụ thể, Chính phủ đề nghị đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV nội dung: "Đồng ý chủ trương giao Chính phủ tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Quốc hội thông qua trong năm 2025".
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới phản ánh, qua tiếp xúc với cử tri một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, ông nhận thấy việc quy hoạch “cứng” đất trồng lúa ở khu vực này tạo ra những khó khăn nhất định trong quá trình phát triển công nghiệp, dịch vụ.
“Tôi đề nghị điều chỉnh phân bổ hợp lý đất trồng lúa của vùng đồng bằng sông Cửu Long với các vùng khác trong cả nước, có tính toán đến sự phát triển hợp lý về công nghiệp và các ngành khác ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long”, ông Lê Tấn Tới phát biểu, bày tỏ trăn trở vì “mấy chục năm qua, người dân đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nghèo”.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng hiện mới là giai đoạn xin chủ trương, khi điều chỉnh cụ thể thì bàn sẽ kỹ hơn. Tuy nhiên, do quỹ đất là hữu hạn nên nguyên tắc quan trọng cần đảm bảo khi điều chỉnh sử dụng đất quốc gia là phải phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nhất có thể; đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng,đảm bảo an ninh lương thực, nguồn nước, tỷ lệ che phủ rừng, hệ sinh thái. Không những thế, quy hoạch này còn phải giúp giải quyết tốt các vấn đề xã hội, trong có vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
“Bằng bất cứ giá nào trong quy hoạch sử dụng đất cũng phải tính đến an ninh lương thực, nguồn nước, tỷ lệ che phủ rừng”, đồng chí Trần Thanh Mẫn khẳng định.
Giải thích rõ thêm về những lý do cần điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định sẽ nghiên cứu rất kỹ để đảm bảo an ninh lương thực, nhưng cũng sẽ tạo điều kiện để địa phương phát triển kinh tế - xã hội, người nông dân phát triển tốt hơn.
Theo kết quả khảo sát đến ngày 31-12-2023, tính chung trong phạm vi cả nước, các chỉ tiêu sử dụng đất đã thực hiện đạt khoảng từ 5% đến 10% so với chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2030 đã được Quốc hội phê duyệt.
Trong đó, có một số chỉ tiêu thực hiện đạt cao như đất đô thị (21,99%), đất rừng sản xuất 19,59%, đất rừng đặc dụng (14,02%)… nhưng cũng có nhiều chỉ tiêu đạt thấp như đất xây dựng cơ sở văn hóa (1,96%), đất rừng phòng hộ (3,93%)...