Ngày 3-11, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã có cuộc họp về công tác phòng chống dịch Covid-19, kế hoạch đầu tư, mua sắm vaccine, thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm phục vụ phòng chống dịch theo các cấp độ. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp.
Yêu cầu các tỉnh, thành phía Nam thực hiện nghiêm chống dịch
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, tuần qua, số ca mắc mới trong cộng đồng đã có dấu hiệu tăng trở lại. Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường. Các địa phương căn cứ vào cấp độ dịch được công bố có biện pháp tương ứng để kiểm soát dịch trên địa bàn. Các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế khẩn trương phân bổ đủ vaccine cho các địa phương, đặc biệt là các địa phương có nguy cơ cao, rất cao; trong đó bảo đảm đủ vaccine, có phương án chi viện nhân lực để theo kịp tiến độ, kế hoạch tiêm vaccine cho ĐBSCL, Tây Nguyên.
Về mua sắm tập trung một số vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm, thuốc điều trị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Y tế phải tổ chức, tính toán phương án mua sắm hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm đúng quy trình, công khai, minh bạch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương tổng hợp nhu cầu trang thiết bị, vật tư y tế theo đúng kịch bản phòng, chống dịch đã được phê duyệt và tổ chức mua sắm theo thẩm quyền, bảo đảm đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch trong tình hình mới. Đối với công tác chuẩn bị cho học sinh trở lại trường, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, ngành giáo dục, y tế phải hướng dẫn rất chi tiết về các quy định phòng chống dịch trong lớp học, khi ra chơi, phương án xử lý khi có ca mắc trong trường học.
Ngày 3-11, Bộ Y tế có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Bộ Y tế nêu rõ, các tỉnh khu vực ĐBSCL trên cơ sở đánh giá mức độ nguy cơ theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, thần tốc truy vết, xét nghiệm là then chốt để sớm kiểm soát hiệu quả dịch, thích ứng an toàn, linh hoạt theo diễn biến dịch. Các địa phương chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh phải nghiêm túc thực hiện phân luồng, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, thực hiện nghiêm ngặt các quy trình khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm tại các cơ sở y tế.
Số ca mắc trong cộng đồng tăng nhanh
Trong ngày, tại Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận 82 ca mắc Covid-19, trong đó có 51 ca ngoài cộng đồng. Số ca mắc mới trong 1 tuần qua tăng nhanh, với 364 ca, tăng 203 ca so với tuần trước.
Cùng ngày, tỉnh Đồng Nai cũng ghi nhận thêm 905 ca mắc Covid-19, trong đó, tại TP Biên Hòa ghi nhận nhiều nhất với 335 ca mắc mới, tiếp đó là huyện Vĩnh Cửu 170 ca, huyện Trảng Bom 148 ca.
Tại Bình Dương, số ca mắc Covid-19 ngày 3-11 có giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao (773 ca), số ca mắc qua xét nghiệm sàng lọc cũng tăng. Tại Tây Ninh, ngày 3-11 ghi nhận 272 ca Covid-19, trong đó 247 ca phát hiện qua test sàng lọc, 25 ca cách ly tập trung và nhập cảnh.
Sáng 3-11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong 24 giờ qua đã ghi nhận 290 ca mắc Covid-19 mới. Như vậy, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn Bạc Liêu đã vượt 4.000 ca. Số F0 tăng mạnh bắt đầu từ ngày 20-10 đến nay.
Còn tại Cà Mau, trong ngày 2-11, ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao nhất từ trước đến nay với 157 ca, nâng tổng số ca mắc đợt dịch lần thứ tư là 2.088 ca. Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải yêu cầu nơi nào có nguy cơ dịch bệnh lây lan cao, vùng có F0 phải điều tra, truy vết để cách ly phong tỏa nhanh nhất có thể. Đồng thời, tổ chức cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm cho người dân. Bên cạnh đó, hình thành vùng đệm phong tỏa, tại đây, tuyệt đối người dân không được ra vào, trừ đối tượng làm nhiệm vụ.
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp, trong ngày 3-11, toàn tỉnh ghi nhận 97 ca mắc Covid-19, tăng 6 ca so ngày trước.
Bộ Y tế cho biết, trong ngày Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 6.192 ca nhiễm mới tại 58 tỉnh, thành phố, trong đó có 2.766 ca ở cộng đồng.