Bố cục sách Phản biện như một chuyên gia được chia làm 6 phần lớn, đi sâu phân tích các hợp phần hợp thành lập luận - đơn vị nhỏ nhất của tư duy phản biện, gồm: tuyên bố, lý lẽ và bằng chứng. Trong mỗi chương sách, tác giả không chỉ giải thích khái niệm, đặc điểm của mỗi hợp phần hay cách chúng quan hệ với nhau mà còn cung cấp các kỹ thuật hướng dẫn thực hành với mục tiêu giúp độc giả mài giũa lập luận sắc bén, hướng tới một phương pháp tư duy hiệu quả.
Ngoài 5 phần chính, Phản biện như một chuyên gia còn có một phụ lục viết về lỗi ngụy biện trong tư duy, bước đầu sẽ chỉ ra những lỗi ngụy biện thường thấy mà ai cũng dễ dàng mắc phải.
Ngoài công việc giảng dạy, tác giả Lang Minh cũng là một cây bút nghị luận xã hội quen thuộc trên các tờ báo uy tín của Việt Nam. Điều này đã giúp Phản biện như một chuyên gia tiếp cận một cách đa dạng, hấp dẫn nhiều nội dung kiến thức khá khô khan của bộ môn Tư duy phản biện.
Đặc biệt, tác giả đã làm giảm đi mức độ “nguy hiểm” và khô cứng bằng những ví dụ đầy hóm hỉnh thông qua những câu nói của “bà hàng xóm” giấu mặt. Anh dẫn dắt độc giả bước vào bài học bằng những cái “cớ” rất hài hước… Lựa chọn hài hước khuyến khích bạn đọc thực hành tư duy phản biện kết nối các sự kiện nhỏ với vấn đề lớn bằng lý trí của chính bản thân trước khi tiếp cận hệ thống các lý thuyết kinh viện.
Tác giả tập trung trình bày những kiến thức “thực chiến”, cân bằng giữa lý thuyết và thực hành để giúp người đọc hình dung về tư duy phản biện như một phương pháp hữu dụng trong đời sống. Trung tâm của Phản biện như một chuyên gia là hai công thức “bất bại” cho mọi lập luận: Mô hình luận cứ C-R-E và công thức mở rộng của tuyên bố. Từ hai điểm mút này, tác giả bắt đầu trình bày chi tiết về tuyên bố, quan điểm cá nhân trong luận cứ, tư duy khái niệm, các phương thức diễn dịch và quy nạp…
Phản biện như một chuyên gia không chỉ hữu ích cho các độc giả đang tìm kiếm một cách tiếp cận tư duy phản biện gần gũi với bối cảnh sống của bản thân, những thầy cô giáo đang nghiên cứu và giảng dạy bộ môn này hay thậm chí là nhóm độc giả muốn trở thành một phiên bản văn minh hơn của chính mình khi tham gia vào các tranh luận.