Nhà thơ Trần Quang Quý, nguyên Ủy viên Hội đồng thơ, còn hé mở thêm thông tin: tác giả Dương Thiên Lý có 3 lần “suýt” vào hội trong các năm 2013, 2016 và 2018, trong đó năm 2016 đã qua ban chấp hành nhưng bị phát hiện, kiến nghị nên phải xóa tên... Mặc dù đã được kiến nghị “vĩnh viễn không nên kết nạp người đạo văn” nhưng rồi mới đây, tác giả này vẫn vượt qua “cửa ải” xét duyệt (gồm hai vòng: hội đồng/ban chuyên môn và ban chấp hành) để trở thành tân hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Phát ngôn trên báo chí sau sự việc trên, đại diện Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng hội đã cân nhắc vì xét kết nạp hội viên ở chuyên ngành văn xuôi chứ không phải thơ - là lĩnh vực mà tác giả Dương Thiên Lý đã từng “đạo” của người khác. Dư luận liền bức xúc, bởi đạo thơ hay đạo văn, thì về bản chất, cũng là đánh cắp chất xám, sự sáng tạo của người khác, và nếu soi xét trên phương diện luật pháp, cũng là hành vi phạm luật, rất đáng bị lên án.
Nhưng đáng tiếc, tác giả Dương Thiên Lý không phải là người duy nhất đạo thơ được kết nạp vào hội. Công chúng vẫn chưa quên tác giả Nguyễn Thị Thanh Long (khi ấy là hội viên Hội Nhà văn TPHCM), cũng dính phải nghi án đạo thơ. Sau khi từ chối nhận giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM vì bị nghi đạo thơ, tác giả này lại tiếp tục bị tố đạo thơ. Lần này, bài thơ Khúc dịu buồn - nắng gió cao nguyên mà tác giả đăng tải trên trang cá nhân có nhiều câu, ý giống với bài Khúc thiếu phụ của tác giả Thy Minh (in trong tập Mắt hoàng hôn do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2010). Bi hài ở chỗ, sau khi ban kiểm tra của Hội Nhà văn TPHCM vào cuộc, sự việc lại “rẽ” sang một hướng mà không ai ngờ tới. Hai cái tên Nguyễn Thị Thanh Long và Thy Minh đều… không phải là chủ nhân của bài thơ, mà bài thơ lại là của một nam tác giả khác. Thế nhưng, đến tháng 1-2020, tác giả Nguyễn Thị Thanh Long trở thành 1 trong 59 tân hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ở chuyên ngành thơ.
Theo Điều lệ, Hội Nhà văn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp tự nguyện của các nhà văn Việt Nam, lấy hoạt động văn học làm nghề nghiệp của mình. Đơn giản chỉ vậy thôi, “chứ đâu phải chức tước, bổng lộc gì”, theo như cách nói của vị đại diện hội vừa mới chia sẻ với báo chí.
Người muốn gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam phải có đơn, tiểu sử văn học cùng lời giới thiệu của hai hội viên và 2 tác phẩm văn học đứng tên riêng xuất bản thành sách. Chỉ những ai qua hai vòng xét duyệt thì mới được kết nạp, trở thành hội viên. Một quy trình rất nghiêm túc và chặt chẽ, ấy vậy mà không hiểu sao vẫn nhiều lần để “lọt lưới”, kết nạp cả những người đạo văn.
Tháng 12 tới, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đại hội lần thứ X. Ai cũng mong trong nhiệm kỳ mới, hội sẽ có những động thái tích cực hơn để giữ cho được phẩm giá của những người viết, để bạn đọc không bị thất vọng, chán chường.