Futsal Việt Nam đã khiến cả thế giới phải ngỡ ngàng với tiến bộ vượt trội ở World Cup 2021. Đấy là một cuộc trình diễn cảm xúc và bản lĩnh. Hai lần liên tiếp vượt qua vòng đấu bảng, là một kỳ tích ngạo nghễ của một nền futsal chỉ mới có hơn một thập niên phát triển chuyên nghiệp. Futsal Việt Nam đang chia sẻ vị thế dẫn đầu của làng bóng Đông Nam Á cùng Thái Lan, nằm trong tốp 5 châu lục và tiếp cận đẳng cấp thế giới bằng phong thái đĩnh đạc đến khó tin.
Những ai dõi theo chặng đường phát triển của futsal Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây thì thấy thành tích tại Lithuania vừa qua không bất ngờ.
Nói đúng hơn, đây là quả ngọt của một giai đoạn đầu tư có dấu ấn của chiến lược đường dài. Khi bắt đầu giấc mơ Wolrld Cup cho futsal cách đây 14 năm, ông Trần Anh Tú đã chọn cách tận dụng các nguồn lực bên ngoài.
Những chuyến du đấu liên tục sang Thái Lan và châu Âu để giúp cầu thủ làm quen với trình độ châu lục. Những nhà cầm quân giỏi Sergio, Bruno rồi Miguel đến từ các nền futsal hàng đầu thế giới như Italy, Tây Ban Nha… được mời sang làm việc dài hạn. Đấy chính là những ông thầy thực sự truyền cảm hứng cho các HLV “phẩm chất nội” theo đuổi, học hỏi.
Từ chỗ chỉ có vài giải đấu riêng lẻ, chia thành các trường phái Bắc và Nam cách đây 15 năm, giờ đây futsal Việt Nam đang có một hệ thống thi đấu chuẩn mực không kém bóng đá sân cỏ. Thi đấu liên tục - Học hỏi không ngừng - Du đấu thường xuyên ở các quốc gia tiên tiến chính là 3 yếu tố cốt lõi để futsal Việt Nam chỉ mất hơn 10 năm đã vươn vai như Phù Đổng.
Ở World Cup 2021, futsal Việt Nam đã trình làng thế hệ cầu thủ thứ 3, với một loạt trụ cột đã và đang có thời gian thi đấu ở nước ngoài. Nhưng đặc biệt hơn, đội tuyển Việt Nam lại được dẫn dắt bởi một HLV nội, ông Phạm Minh Giang, người đã không thể chỉ đạo trong trận đấu cuối cùng trước tuyển Nga do mắc Covid-19.
Đó là một cột mốc đặc biệt, không chỉ với futsal mà còn với toàn bộ nền thể thao Việt Nam. Tầm 4 năm trước, chúng ta từng có HLV Hoàng Anh Tuấn dẫn dắt đội U20 Việt Nam dự World Cup trẻ và trường hợp HLV Phạm Minh Giang là lần thứ 2 các nhà cầm quân Việt Nam thi triển tài nghệ của mình ở đấu trường thế giới. Đây không chỉ là dấu ấn cá nhân của các HLV, mà còn cho thấy chất lượng của nguồn nội lực có sẵn của thể thao Việt Nam.
Trong thể thao đỉnh cao, bên cạnh chuyên môn, gần đây có thêm khái niệm về “trạng thái tinh thần”, một yếu tố có tính quyết định đến thành - bại của VĐV khi thi đấu. Không ai hiểu VĐV Việt Nam bằng các HLV nội bởi sự gần gũi về tâm lý và văn hóa, điều mà các chuyên gia nước ngoài không dễ nắm bắt.
Thành công của HLV Phạm Minh Giang với futsal Việt Nam tại sân chơi World Cup đã cho thấy khả năng và sự tự tin của những ông thầy nội, đồng thời gợi mở cho các nhà quản lý về chiến lược đầu tư con người. Điều đó không chỉ giúp ngân sách đầu tư được tiết giảm, chuyển chi phí thuê chuyên gia ngoại sang phục vụ các chuyến du đấu nước ngoài, mà còn tạo một lợi thế cho các VĐV Việt Nam khi được chỉ đạo và huấn luyện bởi những người hiểu rõ mình nhất.
Tất nhiên, không đơn giản để futsal Việt Nam có được “chiến thắng kép” về thành tích cũng như tính kế thừa nhân sự mà đó là thành quả của một kế hoạch nhân sự bài bản. Dĩ nhiên, khi nào buộc phải thuê chuyên gia nước ngoài, phải thuê ở đâu để bảo đảm chất lượng, chúng ta sẽ thuê. Quan trọng khi đó là chuẩn bị con người tiếp nhận những kiến thức, học hỏi từ chất xám của các chuyên gia ngoại.
Futsal Việt Nam đã làm rất tốt về phương diện này, và điều đó sẽ góp phần kích thích và tạo động lực cho những môn thể thao được xem là thế mạnh của Việt Nam như bóng rổ, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, quần vợt, điền kinh, bơi lội… định hướng lại chiến lược đầu tư của mình, mà trong đó, “phẩm chất nội” phải được đề cao, phải được “vót nhọn” vì tương lai gần - sánh ngang những nền thể thao hàng đầu thế giới.