Có người cho rằng, “đinh tặc” chẳng khác nào căn bệnh mãn tính. Bởi lẽ vào các dịp lễ, tết, khi có nhiều phương tiện đi lại giữa TPHCM và các tỉnh, thành khác thì nạn rải đinh lại bùng phát.
Trước đây, khi cơ quan chức năng cùng người dân chung tay bằng cách cho xe nam châm hút đinh, thành lập tổ vá xe miễn phí… thì bệnh tạm trầm lắng rồi đợi cơ hội bùng phát trở lại. Nhiều địa phương vẫn viện lý do không có bằng chứng, không bắt tận tay người rải đinh nên không xử lý được. Nói như vậy cũng không sai, nhưng lẽ nào chúng ta bó tay với “đinh tặc”?
Các đối tượng thường rải đinh hoặc vật sắc nhọn dọc đường làm thủng vỏ, ruột xe buộc người đi đường phải đưa phương tiện vào các tiệm sửa xe ven đường, thực chất chính là vào các tiệm của chúng và phải trả tiền cao gấp nhiều lần so với giá thị trường. Không chỉ phải mất vài trăm ngàn đồng để vá, thay vỏ, ruột xe, nhiều người còn bị kẻ xấu đội lốt thợ sửa xe máy phá hỏng nhiều bộ phận khác để trục lợi. Xe đang lưu thông cán đinh có thể bị nổ lốp làm mất lái, gây mất an toàn giao thông, có thể ảnh hưởng đến tính mạng người lưu thông và cả những người đi đường.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người có hành vi ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác trên đường bộ, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Người vi phạm sẽ bị phạt tiền 6 - 8 triệu đồng. Nếu hành vi này gây tổn hại cho sức khỏe hoặc tính mạng người khác, có thể bị xử lý hình sự về tội “Cản trở giao thông đường bộ”.
Còn theo Điều 261 Bộ luật Hình sự, “người nào để vật sắc nhọn hoặc các chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ” có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, hoặc phạt tù đến 15 năm, với hành vi vi phạm gây ra những hậu quả như làm chết người, thương tổn từ 61% sức khỏe, gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng…
Nạn rải đinh trên đường vô cùng nguy hiểm đến tính mạng con người chứ không đơn thuần chỉ là việc kiếm tiền bất chính. Thế nhưng cho đến nay, nhiều vụ việc khi phát hiện, các đối tượng có hành vi rải đinh chủ yếu chỉ bị xử phạt hành chính. Do vậy, cần nâng mức xử phạt cao hơn nữa để răn đe.
Bên cạnh đó, trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự, chúng ta đang áp dụng mức thấp nhất để khởi tố là: “gây tổn hại sức khỏe cho 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên” vẫn chưa thỏa đáng. Cần hạ mức tỷ lệ tổn thương, đồng thời nâng khung hình phạt tù cao hơn, có như vậy mới đủ sức răn đe đối với hành vi này.