Ngày 24- 7, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác Chính phủ đã đi khảo sát, kiểm tra tình hình thực hiện bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do và làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước liên quan đến vấn đề người dân di cư tự do.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu tỉnh Bình Phước tăng cường quản lý nhà nước, không thể buông lỏng trước tình trạng dân di cư tự do; đồng thời, tỉnh lưu ý làm tốt công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng, buôn lậu gỗ, nhất là những đối tượng lợi dụng người dân di cư tự do để xúi giục, tiếp tay gây mất an ninh trật tự.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu tỉnh Bình Phước không để phát sinh tình trạng “du canh du cư” để phá rừng. Bình Phước cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đóng cửa rừng.
Đối với các dự án có liên quan đến đất lâm phần cần chuyển đổi qua đất sản xuất phải làm đúng quy hoạch và có quy hoạch trong kiểm soát, không phá vỡ quy hoạch ba loại rừng, nhất là rừng phòng hộ...
Đồng thời, rà soát các dự án điều chỉnh bổ sung quy hoạch; ưu tiên tập trung các dự án bố trí, sắp xếp tại các điểm nóng phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, liên quan đến biên giới, nạn phá rừng…
Cùng với đó, làm tốt quản lý đất đai, đất lâm phần; nghiêm cấm nạn phá rừng lấy đất sản xuất; xử lý nghiêm các đối tượng tiếp tay cho lâm tặc… Mặt khác, tăng cường quản lý nhà nước và có kế hoạch cân đối các chính sách tại địa phương, tạo công ăn việc làm gắn với ổn định biên giới…
Theo báo cáo, số lượng dân di cư tự do đến địa bàn tỉnh Bình Phước tính đến cuối năm 2017 là 18.091 hộ với 74.681 nhân khẩu. Dân di cư tự do đến sinh sống phân bố rải rác khắp địa bàn huyện Đồng Phú, Bù Đăng, Bù Đốp và Lộc Ninh… Đến nay, Bình Phước đã sắp xếp ổn định cho hàng chục nghìn hộ dân. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 4.051 hộ với 16.204 nhân khẩu chưa được bố trí, sắp xếp ổn định.
Bình Phước có diện tích đất rộng, đất đai màu mỡ phì nhiêu phù hợp với các mô hình trồng cây công nghiệp như cao su, hồ tiêu, điều và cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Hiện có đến 62 tỉnh, thành có dân di cư tự do đến Bình Phước, trong đó, có nhiều người dân tộc thiểu số ở vùng Tây Bắc.