Ngày 20-12 tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL đã tổ chức hội nghị đánh giá 5 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ngoài trực tiếp tại Hà Nội, hội nghị còn diễn ra dưới hình thức trực tuyến với 37 điểm cầu.
Văn hóa du lịch có sự phục hồi ngoạn mục
Theo Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng, sau 5 năm triển khai phát triển, công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, thu hút nguồn lực. Theo số liệu thống kê và đánh giá của Bộ VH-TT-DL, tính đến năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đã đóng góp doanh thu khoảng 8,081 tỷ USD, tương đương 3,61% GDP.
Với du lịch văn hóa, năm 2019, tổng doanh thu đạt 720.000 tỷ đồng. Năm 2021 là 180.000 tỷ đồng (doanh thu giảm do ảnh hưởng từ dịch Covid-19). Tuy nhiên sang năm 2022, du lịch văn hóa đã có bước phục hồi ấn tượng khi ước đạt 495.000 tỷ đồng. Trong nghệ thuật biểu diễn, năm 2022, 12 đơn vị nghệ thuật Trung ương đã dàn dựng 112 chương trình, 82 vở diễn, 1.682 buổi biểu diễn, thu hút 15.629.482 lượt xem. Kinh phí ước tính từ các buổi biểu diễn có bán vé đạt hơn 35 tỷ đồng.
Văn hóa du lịch có sự phục hồi ngoạn mục trong năm 2022 sau dịch Covid 19 |
Ở địa phương, nhận thức được tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa, nhiều địa phương đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ VH-TT-DL theo kế hoạch được phê duyệt; có sự kết hợp, lồng ghép các nhiệm được giao tại chiến lược với một số kết quả nổi bật, đóng góp chung vào thành tích của các địa phương.
Trong đó, TP Hà Nội được lựa chọn là thành viên Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.
TPHCM đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa ở lĩnh vực âm nhạc và điện ảnh. Nhiều dự án, chương trình âm nhạc đi vào đời sống không chỉ là hoạt động nghệ thuật mà còn là hoạt động dịch vụ, thương mại, kinh doanh với nhiều mô hình đa dạng.
Ở TP Đà Nẵng, nhiều đề án, chương trình, kế hoạch đã được ban hành để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như Đề án phát triển thiết chế văn hóa đến năm 2025, Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025…
Thay đổi tư duy để tháo gỡ vướng mắc
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, vẫn còn đó một số vướng mắc trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Công nghiệp văn hóa chưa thật sự được coi là ngành ưu tiên.
Đứng ở góc độ quản lý nhà nước, PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ, đến thời điểm hiện tại, một số lĩnh vực chưa có luật hoặc pháp lệnh điều chỉnh (nghệ thuật biểu diễn, quyền và nghĩa vụ của văn nghệ sĩ...) thậm chí chưa có văn bản điều chỉnh (quản lý hoạt động trò chơi điện tử...). Các quy định pháp luật về huy động nguồn lực cho thấy văn hóa chưa hoàn toàn là ngành nghề được ưu tiên, khuyến khích, phát triển văn hóa gặp phải các “điểm nghẽn”, “rào cản” từ chính nhận thức xã hội. Các quy định của pháp luật chưa theo kịp đòi hỏi từ thực tế sinh động.
Hội nghị trực tuyến đánh giá 5 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam |
PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, hiện nay, phát triển công nghiệp văn hóa gặp khó do nhận thức không cao về tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của các nhà đầu tư. Việc này đến từ nguy cơ thất bại của thị trường bởi vi phạm bản quyền, các vấn đề phân phối sản phẩm…
Đề xuất giải pháp khắc phục, ông Bùi Hoài Sơn đề nghị cần sớm hình thành, phát triển và điều chỉnh các công cụ pháp lý nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự tham dự của các chủ thể khác nhau cho văn hóa; xây dựng các công cụ pháp lý nhằm kích thích giao dịch thị trường và các chính sách liên ngành cho công nghiệp văn hóa; bổ sung các cơ chế tài chính cụ thể, bao gồm bảo hiểm, cho vay nhỏ và các quỹ đầu tư mạo hiểm cho công nghiệp văn hóa.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, cần tạo niềm tin với nhà đầu tư, hạn chế tối đa nguy cơ khiến các ngành công nghiệp văn hóa bị thiệt hại. Trong đó, công tác bảo hộ quyền tác giả, hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan phải được thực hiện nghiêm...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa. Công nghiệp văn hóa đóng góp không nhỏ cho lợi ích quốc gia. Song, Bộ trưởng lưu ý, vẫn còn những tồn tại trong phát triển lĩnh vực này. Vai trò của Nhà nước trong phát triển công nghiệp văn hóa chỉ mang tính định hướng, có tính chất vốn “mồi”, còn lại, sản phẩm văn hóa được làm ra phải là do nhân dân, doanh nghiệp thực hiện. Đây là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới. Nếu làm ngược lại, sẽ khó có những sản phẩm của công nghiệp văn hóa đúng với mong đợi.
Cùng đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc thay đổi tư duy, không thể giữ cách làm đưa cái “chúng ta có” mà phải đưa cái “công chúng cần” để quảng bá: “Công tác nhận diện, nắm bắt xu hướng, thị hiếu của công chúng phải được triển khai có hiệu quả. Sản phẩm của các ngành công nghiệp văn hóa cần đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của công chúng. Tất nhiên, không phải là những gu thẩm mỹ tầm thường mà vẫn phải hướng công chúng đến với các giá trị chân - thiện - mỹ.”
Lấy ví dụ ngành công nghiệp giải trí của Hàn Quốc nhờ hiểu được sở thích của công chúng mà một nhóm nhạc, sau một đêm diễn đã thu về được số tiền vé lớn, đem lại lợi ích không chỉ về kinh tế mà còn đạt hiệu quả trong quảng bá văn hóa", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chỉ rõ và cho rằng, cần phải lấy đó làm gương, nghiên cứu, học hỏi cách làm; phải xóa bỏ định kiến văn hóa chỉ mỗi việc “bưng, bê, kê, dán”, “cờ, đèn, kèn, trống”… Văn hóa và công nghiệp văn hóa phải song hành cùng nền kinh tế thị trường, tạo ra giá trị, lợi ích cho con người, quốc gia.