Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà thông tin, báo cáo chính trị có 4 điểm mới. Trong đó, Chương trình hành động nhiệm kỳ 2024-2029 gồm 6 chương trình, trong đó, tiếp tục kế thừa và phát huy 5 chương trình hành động nhiệm kỳ 2019-2024, bổ sung chương trình mới: phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc.
Tiêu đề của dự thảo báo cáo chính trị là: “Nâng cao vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam, phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. Phương châm của đại hội là “Đoàn kết - dân chủ - đổi mới - sáng tạo - phát triển”.
Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam góp ý, nông nghiệp, nông thôn, nông dân chính là bà đỡ của nền kinh tế, nhất là trong những thời điểm khó khăn, do đó báo cáo cần tập trung nhấn mạnh điều này. Báo cáo cũng cần chú trọng vai trò, vị trí của tầng lớp trí thức trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Song song đó, cần quan tâm đến lực lượng người cao tuổi, nhất là trong giai đoạn già hóa dân số hiện nay.
Về vấn đề lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho dân, ông Nguyễn Túc cho rằng, cần phát huy tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm, thể hiện rõ nhất qua cuộc vận động toàn dân xây dựng nông thôn mới thời gian qua.
Đặc biệt, cần thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam mạnh mẽ hơn nữa. “Chính nhân dân là người phát hiện cho chúng ta những tham nhũng, tiêu cực. Vì thế, muốn hạn chế tham nhũng, tiêu cực thì phải nâng cao vai trò của nhân dân trong công cuộc này; cần tiếp tục phát huy và làm rõ vai trò nhân dân làm chủ, dân là gốc để triển khai hoạt động của MTTQ Việt Nam các cấp”, ông Nguyễn Túc nêu.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, công tác giám sát và phản biện xã hội là hoạt động quan trọng của mặt trận. Do vậy, cần đánh giá sau 11 năm, công tác này được triển khai như thế nào? Bên cạnh những thành tựu đạt được, giám sát, phản biện xã hội đã đáp ứng được những mong muốn của Đảng, nhân dân và nhu cầu cuộc sống chưa?
“Tiếng nói của mặt trận có tính độc lập rất quan trọng. Để làm tốt công tác giám sát và phản biện xã hội thì sự chủ động, dũng khí cách mạng, chính trị của mặt trận cần được đẩy mạnh hơn nữa, nói lên những vấn đề người dân đang bức xúc”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu.
Ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam cũng cho rằng, vai trò, tiếng nói của mặt trận phải có tính độc lập, có chính kiến; những vấn đề được mặt trận nêu ra trong báo cáo chính trị phải mang tính chất chủ động. Ví dụ như trong công tác phòng, chống tham nhũng, báo cáo phải nói được tiếng nói của lòng dân, nói được lòng dân như thế nào trước tham nhũng để gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh và thúc đẩy hành động. Chương trình hành động của mặt trận nhiệm kỳ tới cũng phải nói lên được khát vọng của nhân dân, thể hiện được trách nhiệm của nhân dân đối với vận mệnh của quốc gia, để đất nước bước lên sánh vai với các cường quốc năm châu.
Nêu ý kiến tại hội nghị, bà Hà Thị Liên, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, hiện nay, ở các thành phố lớn, nhiều gia đình không muốn sinh con thứ 2. Nếu tư tưởng này còn tồn tại thì sẽ dẫn đến tình trạng già hóa dân số. Nước ta sẽ "già trước khi giàu" và "chưa giàu đã già hóa". Đây cũng là một vấn đề đáng báo động, cần sự quan tâm, chung tay khắc phục của MTTQ Việt Nam. Do đó, báo cáo cần nêu rõ vấn đề này.
Đồng quan điểm, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu ý kiến, mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, nhưng những nước thu nhập cao hiện nay đang đối mặt với khó khăn, nhược điểm mà nước ta cần tránh. Đó là khi đất nước càng phát triển, thu nhập bình quân/người cao nhưng không tái tạo được con người.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, hiện nay, nước ta đang đứng trước nguy cơ phát triển con người không bền vững, không tái tạo được con người. Năm 2023, mức sinh của Việt Nam là 1,96 (lần đầu tiên xuống dưới 2), mà theo kinh nghiệm thế giới, tỷ lệ sinh dưới 2 thì sẽ tiếp tục giảm và khó có thể tăng lên. Bài học kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, chúng ta cần phải hành động ngay. Nước ta mới chỉ mất 1 năm, nên phải ứng phó ngay với việc “giàu nhưng không sinh con đủ”.
Dự kiến Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X tổ chức trong 3 ngày 16, 17, 18-10 tại Hà Nội.