Phóng viên: Bà đánh giá thế nào về chi phí vận tải nước ta?
Bà PHAN THỊ THU HIỀN: Qua theo dõi tình hình thực tế và kết quả đánh giá của một số nghiên cứu cho thấy, chi phí logistics của Việt Nam vẫn ở mức cao, chiếm khoảng 20,9% GDP, do nhiều nguyên nhân. Trước hết, hiệu quả của việc kết nối giữa các phương thức vận tải chưa cao, do hạ tầng đường sắt không phát triển, không kết nối với các đầu mối hàng hóa lớn, các cảng biển.
Bên cạnh đó, luồng lạch một số tuyến đường thủy nội địa chưa được nạo vét thường xuyên, dẫn đến không hoạt động được. Một số tuyến đường thủy bị hạn chế bởi tĩnh không cầu đường bộ và cầu đường sắt, nên tàu có trọng tải lớn không hoạt động được. Tình trạng này dẫn đến hoạt động vận tải trên các tuyến chủ yếu bằng đường bộ. Trong khi đó, các đơn vị vận tải đường bộ đều có quy mô nhỏ, manh mún, sức cạnh tranh kém; đặc biệt, tỷ lệ xe chạy rỗng vẫn trên 45%, dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp...
45% là tỷ lệ xe chạy rỗng một chiều đã được nhắc đến từ lâu, sao vẫn tồn tại?
Sàn giao dịch vận tải VinaTrucking được Bộ GTVT khai trương vào tháng 12-2015, với kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các đơn vị kinh doanh vận tải và nền kinh tế. Tuy nhiêu, sau hơn 5 năm hoạt động, số lượng thành viên tham gia và các giao dịch thành công vẫn rất ít. Lý do lớn nhất, các DN vận tải bắt buộc phải đăng ký tài khoản mới được giao dịch, khiến nhiều DN nghi ngại về việc bị kiểm soát thông tin. Nhiều đại diện DN bày tỏ, họ không muốn công khai, minh bạch khối lượng hàng hóa, giá cước, loại hàng, tuyến đường vận chuyển vì sợ lộ bí mật kinh doanh, sợ bị mất mối hàng…
Bên cạnh đó, một số sàn giao dịch có thiết kế chưa thuận tiện cho người dùng, đa số còn sử dụng theo hình thức website, chưa có các ứng dụng trên thiết bị di động. Nhiều chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải và chủ hàng vẫn còn ngại do chưa quen với việc thực hiện các giao dịch trực tuyến, hoặc các đơn vị vận tải hàng hóa đa số có quy mô nhỏ nên chưa quan tâm nhiều đến các công cụ hỗ trợ trực tuyến, mà vẫn đang thực hiện, duy trì phương thức giao dịch cũ, thông qua gặp mặt trực tiếp hoặc giao dịch qua điện thoại, qua mối hàng quen… Bên cạnh đó, do truyền thông chưa tốt, nhiều DN có nhu cầu vận tải nhưng DN vận tải vẫn chưa biết về sàn giao dịch này.
Vậy theo bà, làm thế nào để sàn hoạt động hiệu quả?
Theo tôi, để hoạt động hiệu quả, các sàn giao dịch cần thực hiện một số giải pháp như chủ động tìm kiếm nguồn tài chính, kêu gọi đầu tư cải tiến phần mềm để đa dạng các hình thức kết nối, giúp chủ hàng, chủ xe có thể dễ dàng tìm kiếm hàng, tìm kiếm phương tiện và giao dịch trên sàn. Đồng thời, trung tâm giá của sàn phải cung cấp thông tin giá cước nhằm minh bạch hóa về giá cước, phân tích được các thông tin thị trường dựa trên các công cụ phân tích, giúp các DN, cơ quan quản lý nhà nước có thêm một công cụ đánh giá thị trường vận tải hàng hóa.
Các sàn giao dịch cũng cần xây dựng cơ chế đánh giá, kiểm soát các chủ xe để tăng độ tin cậy cho các chủ hàng. Khi khách hàng giao dịch với chủ xe, sàn sẽ có các tầng bảo vệ; thứ nhất là của chủ xe, thứ hai là của sàn với công tác kiểm tra, đánh giá và các văn bản ký kết, thỏa thuận giữa hai bên.
Trường hợp các bên để xảy ra sai phạm, mất mát, hư hỏng hàng hóa trong quá trình thực hiện hợp đồng, sàn giao dịch phải là đơn vị trung gian cùng giải quyết để đảm bảo quyền lợi của các bên. Thêm nữa, các sàn giao dịch cần phải có sự liên kết với ngân hàng, tổ chức tài chính hỗ trợ việc thanh toán và bảo đảm việc thực hiện hợp đồng cho các chủ xe. Ngay khi chủ xe hoàn thành việc cung cấp dịch vụ vận chuyển, chủ hàng sẽ xác nhận, sau đó, sàn sẽ xác minh và thông báo để ngân hàng thực hiện việc thanh toán phí vận chuyển cho chủ xe. Có như vậy, sàn giao dịch mới hoạt động hiệu quả, chi phí vận tải sẽ được kéo giảm, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.