Tuy nhiên, không ít trường hợp đã có những hành động kích động, quá khích gây rối trật tự công cộng, đập phá tài sản, trụ sở, tấn công người thi hành công vụ… Báo SGGP tiếp tục ghi nhận một số ý kiến xung quanh những hành động này.
Hòa thượng Danh Lung, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy viên Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM:
Đức Phật đã dạy: “Các con hãy nương tựa bằng chính bản thân của con. Các con hãy lấy bản thân các con làm ngọn đèn, làm núi cao để mà nương tựa vào. Con đừng dựa vào ai hết để giải thoát cho mình. Nếu làm như vậy là tiêu cực. Con hãy nhận lấy trách nhiệm của mình mới là tích cực…”.
Từ lời dạy trên của Đức Phật, mỗi người chúng ta không nên nghe những lời xúi giục, có hành vi bạo động, đập phá tài sản của Nhà nước và của người khác. Lòng yêu nước thể hiện qua việc bạo động, đập phá này, theo tôi là không tốt chút nào. Nếu chúng ta có lòng yêu nước thật sự, hãy thể hiện quyền công dân của mình đúng nơi, đúng chỗ và có trách nhiệm, có tinh thần xây dựng. Phải ý thức được rằng mọi hành vi, việc làm của mỗi người chúng ta, dù là nhỏ nhất mà không đem lại tác hại cho người khác, cho xã hội, cho đất nước, không đi ngược lại sự ổn định và phát triển của đất nước mới là tích cực. Cái đó mới là lòng yêu nước thực sự của mỗi người dân Việt Nam.
Linh mục ĐINH NGỌC LỄ, nguyên Hạt trưởng Hạt Xóm Mới (Giáo phận TPHCM):
Theo tôi, một số người dân vừa qua nghe theo lời xúi giục của người này, người khác rồi tham gia biểu bình, bạo động là không nên trong lúc này. Xảy ra những điều không hay đối với một đất nước đang yên bình, phát triển, làm cho xã hội bất ổn, lòng dân hoang mang không tốt chút nào. Với chúng tôi, không thể chấp nhận những việc làm gây bạo động, đập phá trụ sở cơ quan chính quyền của một số phần tử vừa qua...
Những ngày qua, tại khu vực của chúng tôi không xảy ra bất cứ chuyện gì và cũng không có ai tham gia tụ tập đông người, có hành vi quá khích tại các địa phương mà báo chí phản ánh. Trong giáo hạt và tại các giáo xứ, giáo họ, chúng tôi cũng đã có lời với các vị tu sĩ, anh em giáo dân trong lúc này phải có sự đoàn kết, yêu thương, thấy những gì trong xã hội, trong cộng đồng còn những mặt này mặt kia chưa được tốt thì phát huy tinh thần yêu thương, bác ái và cùng nhau góp sức xây dựng để cuộc sống của mỗi gia đình, cộng đồng dân cư và toàn xã hội ngày càng bình yên, hạnh phúc và tốt đẹp hơn. Đặc biệt, không nên vì chuyện này, chuyện kia mà nghe theo những người không tốt tham gia vào những việc làm ảnh hưởng đến xã hội, đến an ninh trật tự và sự ổn định, phát triển của đất nước.
Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam TPHCM:
Các hoạt động tụ tập xuống đường gây mất an ninh trật tự, mất công ăn việc làm, bất ổn chính trị, ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài và gây thiệt hại lớn cho kinh tế. Sự sụt giảm nghiêm trọng của chứng khoán trong những ngày qua cũng là minh chứng rõ nét, cụ thể về thiệt hại. Những ai gây ra bất ổn, dẫn đến thiệt hại như thế sẽ bị chế tài. Việc này ở nhiều nước cũng quy định rõ. Tôi từng chứng kiến khi ở Bỉ, một người biểu tình đá ghế của một người đang ngồi uống cà phê, anh ta bị cảnh sát trấn áp ngay và còng tay, đưa lên xe chở về đồn cảnh sát.
Trở lại các vụ việc trong nước những ngày gần đây, nhiều người tụ tập xuống đường tuần hành gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, là có dấu hiệu của tội gây rối trật tự công cộng (Điều 318 Bộ luật Hình sự). Đối với những hành động bộc phát, quá khích, đốt xe, đập phá đồ đạc là có dấu hiệu rõ của tội hủy hoại tài sản (Điều 178 Bộ luật Hình sự).
Công an TPHCM cũng thông báo một số đối tượng tụ tập có quan hệ nhận tiền tham gia tuần hành, gây rối. Nếu xác định rõ có bàn tay “đạo diễn”, sử dụng bạo lực có tổ chức bao vây, chiếm đóng, phá trụ sở cơ quan nhà nước hoặc bắt, tra tấn người thi hành công vụ… như ở tỉnh Bình Thuận là có dấu hiệu của tội bạo loạn (Điều 112 Bộ luật Hình sự). Nếu không, hành vi kích động, lôi kéo, tụ tập đông người gây rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở sự hoạt động của cơ quan nhà nước hay tổ chức xã hội nhằm chống chính quyền thì có dấu hiệu phạm tội phá rối an ninh (Điều 118 Bộ luật Hình sự).
Do vậy, người dân cần tỉnh táo, thể hiện lòng yêu nước hoặc nêu quan điểm, chính kiến một cách ôn hòa và tránh bị lôi kéo, dẫn dắt rồi vi phạm pháp luật. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần phải điều tra làm rõ xem ai đứng đằng sau, tổ chức, xúi giục, kích động người dân và có hình thức xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật.