Làm thế nào để thị trường bất động sản sôi động, lành mạnh? Dưới góc nhìn của nhà kinh doanh địa ốc chuyên nghiệp, ông Võ Đình Quốc, Phó Tổng giám đốc Công ty Địa ốc ACB đưa ra ý kiến qua bài viết sau.
Sau giai đoạn phát triển mạnh từ năm 2000-2002, đến nay thị trường bất động sản lâm vào khủng hoảng. Nhìn chung nguồn cung đang có chiều hướng chựng lại, các căn hộ cao cấp đang được thi công ở tốc độ chậm, các khu đất dự án trong tình trạng nằm im. Nguồn cung không nhiều làm ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ của người dân. Quỹ nhà dành cho người có thu nhập thấp và diện đền bù giải tỏa vẫn thiếu nhiều. Căn hộ dành cho người có thu nhập trung bình chưa được đầu tư xây dựng.
Nguyên nhân của tình trạng khủng hoảng này trước tiên xuất phát từ việc thực thi các chính sách luật. Các nhà đầu tư vẫn còn tâm lý nghe ngóng, chờ đợi các văn bản mới. Ngoài ra, giá vàng tăng cao cũng làm ảnh hưởng phần nào đến giao dịch địa ốc. Mặt khác giá nhà đất còn quá cao, vượt xa tốc độ tích lũy của người dân dẫn đến cơ hội mua nhà khó khăn. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ của tài chính, tín dụng còn nhiều phức tạp.
Trong tình hình vật giá tăng cao, muốn mua nhà người dân phải vay vốn ngân hàng và kéo dài thời gian hoàn trả, trong khi ngân hàng không đủ sức để kéo giãn như vậy. Điều này dẫn đến các mâu thuẫn sau: Nguồn cầu muốn mua nhưng không thể mua được do ảnh hưởng về vốn, nguồn cung muốn bán ra nhưng không bán được và bị kẹt vốn. Từ đó làm cho sản phẩm đưa ra thị trường không có gì mới. Nguồn cung không đủ lực để trụ lại, bị mòn dần theo thời gian và có thể bị thay thế bởi các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhìn chung nguồn cung, cầu và bộ phận trung gian môi giới bị đứt khúc, không có sự liên thông do mỗi bên đều có những vướng mắc riêng của mình. Như vậy, thị trường bất động sản không chuyển nhượng được kéo theo nhiều thị trường khác như lao động, vật tư, tài chính ngân hàng… bị ảnh hưởng.
Hướng giải quyết tình hình này là tập trung tháo gỡ vướng mắc, nhất là nhu cầu. Phải tạo điều kiện cho nhu cầu lưu thông, giải quyết vấn đề lớn nhất hiện nay là nhà ở cho người có thu nhập thấp (công nhân, cán bộ công nhân viên chức, người có thu nhập bình thường). Nhà nước phải đứng ra với tư cách là nhà tiêu thụ, cung cấp cầu cho người tiêu dùng (sử dụng quỹ tài chính, thu hút đầu tư nước ngoài trong việc xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp). Về lâu dài, việc đầu tư kinh doanh phải gắn cho thuê với chuyển nhượng. Từ chỗ cho thuê hướng tới hỗ trợ người thuê sở hữu luôn căn nhà. Làm sao để người có thu nhập thấp có thể mua nhà trong thời gian dài.