Phải tạo môi trường an toàn, để thành phố không còn nguy cơ xảy ra dịch bệnh

Chiều tối 25-2, TPHCM họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19. Dự cuộc họp có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Phải tạo môi trường an toàn, để thành phố không còn nguy cơ xảy ra dịch bệnh ảnh 1 Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chuẩn bị mở thêm khu cách ly phòng, chống dịch

Báo cáo tại cuộc họp, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, tính đến nay, số người xác định mắc Covid-19 tại TPHCM là 3 trường hợp, hiện cả 3 trường hợp đều đã khỏi bệnh và xuất viện.
Phải tạo môi trường an toàn, để thành phố không còn nguy cơ xảy ra dịch bệnh ảnh 2 GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM đề xuất mở rộng khu cách ly tập trung. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Tổng số người nghi ngờ mắc bệnh là 35 trường hợp, tất cả đều đã có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV. Tổng số người tiếp xúc gần với người mắc bệnh là 44 trường hợp, tất cả đều đã kết thúc thời gian theo dõi 14 ngày và không có triệu chứng mắc bệnh. Hiện có 79 trường hợp đang được cách ly tại Bệnh viện dã chiến (huyện Củ Chi).

Sau thời gian chủ động và quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn TP, đến nay, TPHCM chưa ghi nhận thêm trường hợp lây lan trong cộng đồng và không có thêm trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19.

“Do chủ động quyết liệt, không chủ quan nhưng không lo lắng quá mức nên công tác chỉ đạo, điều hành từ TP đến quận, huyện, phường, xã, thị trấn ngay từ đầu khi dịch bệnh mới xảy ra tại Việt Nam bước đầu kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP".

Tuy nhiên, theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), “cánh cửa cơ hội kiềm chế Covid-19 đang hẹp lại”, mặc dù WHO chưa tuyên bố là đại dịch toàn cầu, nhưng những gì diễn ra tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy thời gian gần đây là đáng báo động. Vì thế, TP không chủ quan, lơ là mà phải quyết liệt có kế hoạch phòng, chống Covid-19 hiệu quả, với phương châm “Chống dịch như chống giặc”, nhưng cũng không quá hoang mang, lo lắng cần tập trung chống dịch và phát triển kinh tế của TP bền vững, ổn định an sinh xã hội cho người dân.

Tất cả các quận, huyện, phường xã, thị trấn, các đơn vị đều phải kiểm soát chặt tình hình tại địa phương, giám sát các trường hợp đến địa phương từ vùng dịch. Thông báo ngay cho chính quyền địa phương, cho cơ quan y tế về các trường hợp nghi ngờ có tiếp xúc với người tại vùng dịch đã được cảnh báo để thực hiện nghiêm việc giám sát, cách ly theo đúng quy định.

Các địa phương, đơn vị cần thống kê, quản lý số người nhập cảnh từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản và một số quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch... theo khuyến cáo của Bộ Y tế, hướng dẫn và khuyến cáo việc tuân thủ các biện pháp phòng hộ cá nhân, gia đình và cộng đồng.

Thời gian tới, để chuẩn bị các phương án đảm bảo khả năng thu dung để cách ly dự phòng, cách ly điều trị, không để dẫn đến tình trạng quá tải về chăm sóc y tế, Sở Y tế TPHCM đề xuất mở rộng khu cách ly tập trung. Hiện tại, khu cách ly tập trung của TP có 300 giường đặt tại Củ Chi, dự báo trường hợp cần cách ly sẽ tăng trong thời gian tới, TPHCM sẽ mở rộng thêm khu cách ly tập trung 200 giường tại huyện Nhà Bè. Cùng với đó sẵn sàng huy động thêm 1.000 giường bệnh tại những bệnh viện mới được xây dựng để cách ly người nguy cơ nhiễm Covid-19. 

TPHCM chưa chốt thời điểm học sinh đi học trở lại

Kiến nghị tại cuộc họp, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đề xuất lịch nhập học trở lại của học sinh trên địa bàn TP.

Bậc mầm non: tiếp tục nghỉ đến hết 15-3, ngày 16-3 trẻ lớp lá đi học nhưng ko ăn sáng. Thời gian tập trung các lớp khác của mầm non sẽ tùy tinh hình dịch bệnh.

Bậc tiểu học: tiếp tục nghỉ đến hết ngày 15-3; ngày 16-3 lớp 5 đi học lại nhưng không bán trú, chỉ tổ chức học 1 buổi. Các lớp khác tuỳ theo diễn biến dịch bệnh.

Bậc THCS: ngày 2-3, lớp 9 đi học nhưng không bán trú, chỉ học 1 buổi; ngày 16-3 học sinh các khối lớp khác bắt đầu đi học lại.

Bậc THPT: ngày 2-3 học sinh lớp 12 đi học lại nhưng chỉ học 1 buổi; ngày 16-3 học sinh các lớp còn lại bắt đầu đi học lại.

Các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ GD-ĐT trên địa bàn TP thực hiện theo cơ chế tự chủ.

Các trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở dạy thêm, trung tâm giáo dục kỹ năng sống... hoạt động trở lại từ ngày 16-3.

Phải tạo môi trường an toàn, để thành phố không còn nguy cơ xảy ra dịch bệnh ảnh 3 Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đề xuất lịch nhập học trở lại của học sinh trên địa bàn TP tại cuộc họp. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Sở GD-ĐT kiến nghị UBND TP kiến nghị Bộ GD-ĐT có văn bản chính thức việc những trường hợp học sinh phải nghỉ học do nghi ngờ, phải cách ly hoặc nhiễm bệnh phải xét nghiệm để điều trị không tính vào số ngày nghỉ của Thông tư 58 (quy định học sinh nghỉ quá 45 buổi thì không được lên lớp).

Còn theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, TP có 135.669 học sinh, sinh viên, học viên theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và có 11.383 giáo viên, người lao động đang làm việc tại các cơ sở này. Trong số đó có 859 người đã đi qua vùng có dịch (chiếm 0,6%). Hiện có 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp được khảo sát đã tiến hành tiêu độc, khử trùng toàn bộ khuôn viên. Đặc biệt có 16 đơn vị tổ chức trên 5 lần tiêu độc, khử trùng. 

Phải tạo môi trường an toàn, để thành phố không còn nguy cơ xảy ra dịch bệnh ảnh 4 Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Về thời điểm đi học trở lại sau kỳ nghỉ lần hai tại trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở khác, 43,3% đơn vị được khảo sát đề xuất thời điểm đi học lại từ ngày 2-3; 29,2% đề xuất thời điểm đi học lại từ ngày 16-3 và 27,5% đề xuất thời điểm đi học lại từ ngày 1-4. Lý do là chương trình đào tạo và tuyển sinh của các trường cao và trung cấp được tổ chức thường xuyên trong năm. Do đó việc cho sinh viên, học sinh nghỉ tiếp đến hết tháng 3 không ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên cũng như sinh viên, học sinh.
Phải tạo môi trường an toàn, để thành phố không còn nguy cơ xảy ra dịch bệnh ảnh 5 Đông đảo các thành phần tham dự cuộc họp phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đề cập đến thời gian cho học sinh đi học trở lại, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, đề xuất của Sở GD-ĐT TPHCM nhằm giúp TP chủ động chuẩn bị các phương án để triển khai khi Chính phủ có quyết định chính thức về thời gian cho học sinh đi học trở lại. Vào kỳ họp tới, sau khi xem xét cụ thể tình hình dịch bệnh, Chính phủ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về thời gian học sinh đi học trở lại. TP sẽ chấp hành theo quyết định của Chính phủ. 
Phải tạo môi trường an toàn, để thành phố không còn nguy cơ xảy ra dịch bệnh ảnh 6 Chủ tịch UBND TPHCM  Nguyễn Thành Phong: "Không được phép lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch Covid-19". Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phải ngăn chặn, cách ly ngay từ đầu

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, cần xác định rằng không được phép lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch Covid-19, phải tăng cường kiểm tra, giám sát các trường hợp nhập cảnh từ vùng dịch và phải có những kịch bản cụ thể trong phòng chống dịch. Cần tăng cường thiết bị phát hiện các biểu hiện bệnh đối với người đến từ vùng dịch. Đối với các trường hợp phải cách ly, Sở Y tế phải đưa ngay vào các trung tâm, bệnh viện dã chiến. Quận, huyện có nhiều chung cư có người nước ngoài sinh sống; người có thân nhân ở các nơi có vùng dịch phải kiểm soát, giám sát thường xuyên.

"Các đơn vị của TP thực hiện nghiêm túc việc tạm dừng nhập cảnh Việt Nam đối với người đến từ hoặc đi qua vùng có dịch. Đối với các đối tượng nhập cảnh vì mục đích công vụ trong trường hợp đặc biệt phải khai báo y tế, cách ly tập trung 14 ngày theo quy định", Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, dịch Covid-19 là loại bệnh cần nhiều người tập trung chăm sóc, chữa trị. Lấy ví dụ điển hình là hai cha con người Trung Quốc nhiễm bệnh ở TPHCM vừa qua, mới chỉ 2 cha con mà Bệnh viện Chợ Rẫy phải huy động cả một khoa để điều trị. Mỗi ngày 3 ca, mỗi ca phải có đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, y tá hùng hậu. Giả sử TP phải chăm sóc cho 1.000 người bệnh thì đó là một gánh nặng không dễ. Ngoài ra, lượng bác sĩ, nhân viên y tế, số giường bệnh trong khu cách ly phục vụ chữa Covid-19 cũng rất lớn. Trong khi tổng số giường bệnh tại các khoa cách ly của tất cả bệnh viện ở TPHCM chỉ khoảng 1.000 giường. Do vậy, trong tình hình dịch lan rộng, bằng mọi giá TP phải ngăn không cho vượt quá 1.000 ca bệnh. 
"Trách nhiệm của các quận, huyện là rất lớn, phải phát hiện sớm cách ly để không lây. Nếu không ngăn chặn sớm sẽ bị quá tải các khu cách ly. Phải tạo môi trường an toàn, để TP không còn nguy cơ xảy ra dịch bệnh, học sinh an tâm đi học", Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu.
Ngay sau cuộc họp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã tặng hoa chúc mừng tập thể Sở Y tế TP nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2; Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trao tặng Bằng khen của UBND TP cho Sở Y tế TP vì đã có thành tích trong công tác quản lý, phòng chống dịch bệnh Covid-19.

________

20 người Hàn Quốc đang cách ly tại Bệnh viện Dã chiến

Thông tin từ Sở Y tế TPHCM, hiện khu cách ly tập trung của TP tại bệnh viện dã chiến đã tiếp nhận 89 trường hợp, trong đó 2 trường hợp đã hoàn tất thời gian cách ly theo quy định và trở về nhà. 

Tính đến chiều 25-2, khu cách ly tập trung đã tiếp nhận 20 người có quốc tịch Hàn Quốc, trong đó có 14 trẻ em và 3 người có quốc tịch Trung Quốc.

Đại diện Lãnh sự quán Hàn Quốc khi đến thăm và tìm hiểu khu cách ly tập trung tại Bệnh viện dã chiến đã rất hài lòng và an tâm với cách tổ chức và chăm lo cho người cách ly của TPHCM.

Ban Giám đốc bệnh viện cũng đã cho triển khai thêm bảng hướng dẫn tiếng Hàn Quốc tại các phòng cách ly, trước đó đã có bảng hướng dẫn tiếng Trung Quốc; đồng thời các bác sĩ khi thăm khám sẽ sử dụng máy phiên dịch đa ngôn ngữ được bệnh viện trang bị trước đó (nếu người cách ly không có phiên dịch viên đi cùng).

Tin cùng chuyên mục