Quản xe dù để ngăn chặn tai nạn
Tại cuộc họp, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết, các cơ quan chức năng hiện vẫn chưa quản được tình trạng bến cóc, xe dù. Tình trạng này không những thất thu về thuế, cạnh tranh thiếu công bằng, gây mất trật tự đô thị mà còn là nguy cơ gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Đơn cử, vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng ở đèo Lò Xo xảy ra gần đây, chiếc xe gây tai nạn là xe dù. Theo lời khai của nhân chứng, chiếc xe này chạy từ Hà Nội đến chỗ gặp tai nạn có 6 lần cảnh sát dừng xe, nhưng mỗi lần dừng chưa đầy 1 phút rồi đi luôn, không ai phát hiện xe “dù”. Gọi là xe hợp đồng nhưng không có chứng từ, hóa đơn thể hiện giao dịch giữa hành khách và chủ xe. Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thẳng thắn thừa nhận hàng chục năm qua, các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra được phương án quản lý triệt để tình trạng bến cóc, xe dù vì có quá nhiều phát sinh. Những quy định về quản lý xe hợp đồng còn chưa chặt chẽ, nhiều điều khoản chưa rõ.
Trước tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu phải tập trung sửa nghị định theo hướng quản lý chủ xe hợp đồng. Các chủ doanh nghiệp phải có trách nhiệm về chất lượng phương tiện và quản lý được lái xe trong mọi điều kiện, để đảm bảo an toàn cho người dân. Riêng đối với loại hình xe Limousine, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu nghiên cứu đề xuất trong Nghị định 86 sửa đổi có phương thức quản lý, từ việc ủy quyền cho địa phương về quản lý phương tiện, người kinh doanh, đến việc hoạt động trong các đô thị, không thể mang tính tự phát. Việc nhận diện xe hợp đồng hiện còn hạn chế, cần nghiên cứu cung cấp thêm một số dấu hiệu để người dân dễ giám sát, tăng cường kiểm tra giám sát cho cơ quan quản lý.
Quản lý Uber, Grab, cách nào?
Tại cuộc họp, đại diện Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, các bên liên quan đã có rất nhiều cuộc họp xoay quanh vấn đề quản lý loại hình Grab, Uber thế nào, tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có phương án tối ưu nào được đưa ra. Bên cạnh ý kiến cho rằng nên quản lý Grab, Uber theo hình thức xe hợp đồng, nhiều ý kiến khác lại cho rằng nên quản lý như taxi. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, Grab, Uber là taxi và phải được quản lý chặt chẽ như taxi, cả về số lượng xe và tài xế. Khi xảy ra sự cố với hành khách, taxi truyền thống ràng buộc được trách nhiệm của tài xế và hãng, trong khi đó Uber, Grab, khi xảy ra vấn đề liên quan đến hành khách, thì chưa có ai chịu trách nhiệm. Dẫn chứng những sự cố xảy ra với hành khách khi sử dụng dịch vụ Grab, Uber trong thời gian gần đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu đơn vị soạn thảo phải xử lý được vấn đề trách nhiệm của Uber, Grab trong quản lý lái xe, tránh tình trạng nhiều vụ việc xảy ra, Uber, Grab đều “ngó lơ”, coi như không liên quan. Các đơn vị này phải ký hợp đồng lao động với tài xế, chịu trách nhiệm khi hoạt động xảy ra vấn đề như cướp giật, quên đồ.
Bộ trưởng GTVT cũng khẳng định luôn ủng hộ các hãng vận tải sử dụng công nghệ mới để hoạt động dịch vụ vận tải mang lại nhiều lợi ích cho người dân, tuy nhiên, dù hoạt động dưới hình thức nào cũng phải đảm bảo đúng pháp luật, phải đảm bảo được an toàn cho người dân, không để người dân cảm thấy bất an khi đi loại hình này. Cả xã hội đang trông chờ NĐ 86 sửa đổi để hoàn thành dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3-2018, để chấm dứt những bất cập; tuy nhiên, nếu các cơ quan soạn thảo chưa đưa ra được các quy định quản lý chặt chẽ Grab, Uber thì sẽ chưa ban hành, nếu Thủ tướng có trách phạt thì tôi cũng xin chịu”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.