Phải sớm giải quyết vướng mắc giấy tờ nhà đất cho dân

Ngày 10-3, HĐND TPHCM phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM tổ chức chương trình Lắng nghe và trao đổi, chủ đề “Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, kiến nghị và phản ánh của công dân về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (gọi tắt là giấy chứng nhận) trên địa bàn TPHCM - thực trạng và giải pháp”.

 Mục đích chương trình là tìm kiếm các giải pháp để việc tiếp công dân, cấp giấy chứng nhận ngày càng tốt hơn, khi toàn địa bàn TPHCM còn đến 17.300 trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận.

Mòn mỏi nhiều năm vẫn chưa có sổ

Chương trình được thiết kế mở, kết nối trực tiếp và trực tuyến với nhiều cử tri trên địa bàn TPHCM. Rất nhiều cử tri đã lên tiếng chia sẻ về hành trình gian nan đi làm giấy tờ nhà đất của mình. Đặc biệt, chương trình đã tạo không gian tranh luận sôi nổi giữa người dân và đại diện các sở, ngành, quận, huyện và lần đầu tiên, nhiều trường hợp đã có hướng giải quyết cụ thể.

Quang cảnh chương trình Lắng nghe và trao đổi tháng 3-2019
 Ông Phạm Đức Cường (ngụ quận 12, TPHCM) cho hay, năm 1999, ông nhận chuyển nhượng đất của ông Nguyễn Văn Cục. Năm 2000, ông Cường xây nhà và sau đó phát sinh tranh chấp với ông Cục. Năm 2005, Tòa án nhân dân (TAND) quận 12 đã công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, trong đó, ông Cường được tiếp tục sử dụng phần đất theo hiện trạng là hơn 183m2. Năm 2006, ông Cường sửa chữa nhà và sử dụng đến nay. Song, ông đi lại nhiều lần suốt 3 năm qua mà vẫn chưa có giấy chứng nhận cho nhà đất của mình. “Tại sao bản án đã có hiệu lực mà quận 12 lại không cấp giấy chứng nhận cho tôi”, ông Phạm Đức Cường thể hiện sự không hài lòng. Tương tự, ông Trần Văn Trí (đại diện cho ông Phùng Đình Chỉnh và bà Mai Thị Tức, ở ngụ quận Thủ Đức) cho hay, ông Chỉnh, bà Tức có mua 2 lô đất nông nghiệp từ năm 1995 và 2003 ở quận Thủ Đức. Năm 2010, hai người làm hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận cho lô đất trên. Trong khi chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận yêu cầu ông Chỉnh, bà Tức bổ sung hồ sơ và người dân đã bổ sung hồ sơ, thì UBND quận Thủ Đức lại ra văn bản cho biết không cấp giấy chứng nhận, vì chưa khai trình rõ nguồn gốc đất, không phù hợp quy hoạch và thuộc nhà nước quản lý. Ông Trí mong muốn UBND quận Thủ Đức xem xét, cấp giấy chứng nhận theo đúng quy định.


Trao đổi cụ thể về trường hợp của ông Phạm Đức Cường, ông Nguyễn Văn Đạt, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) quận 12 giải thích, năm 2017, ông Cường đề nghị quận 12 cấp giấy chứng nhận nhà đất. Tuy nhiên, qua đối chiếu, vị trí đất của ông Cường nằm trong quy hoạch đường dự phóng và đất khu công nghiệp, theo quyết định năm 2013 của UBND TPHCM. Do nguồn gốc tài sản tạo lập sau thời điểm quy hoạch, không phù hợp với quy hoạch nên năm 2017, quận 12 đã trả lời ông Cường là chưa giải quyết cấp giấy chứng nhận. Đồng thời, quận 12 đã có văn bản xin ý kiến của TAND cấp cao ở TPHCM; Sở TN-MT, Sở Tư pháp… để hướng dẫn việc thực hiện theo quyết định của tòa án. Nhưng đến nay, quận vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể. Ông Nguyễn Văn Đạt cũng viện lý do, khi TAND xét xử, quận 12 không được tham gia buổi xét xử đó; bản án của TAND cũng có hiệu lực từ 2005 nhưng mãi đến năm 2017, ông Cường mới nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận! Cùng trao đổi về trường hợp này, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, đề nghị quận và các bên liên quan nên gặp nhau, xem lại vụ việc theo 2 cách: 1- cấp giấy chứng nhận cho chủ cũ và lập thủ tục chuyển nhượng cho ông Cường; 2- cấp thẳng giấy chứng nhận cho ông Cường theo hiện trạng năm 2005, rồi ông Cường thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho chủ cũ. Trước đề nghị này, đại diện UBND quận 12 đồng ý sẽ tổ chức cuộc họp giữa các bên liên quan để giải quyết sớm.

Về vụ việc ông Trần Văn Trí phản ánh, ông Trần Văn Bình, Trưởng Phòng TN-MT quận Thủ Đức cho rằng, 2 khu đất trên gồm 4 phần. Trong đó, có 2 phần nhận chuyển nhượng, có nguồn gốc từ tập đoàn (tập đoàn và hợp tác xã - PV), nên không đủ điều kiện được cấp giấy. 2 phần đất còn lại đã được cấp giấy chứng nhận cho chủ cũ trước năm 2000 và cập nhật biến động khi chuyển nhượng. Các năm 2003 và 2018, một số người dân tự thỏa thuận để phân chia, đổi đất. Xét về quy hoạch, hai khu đất này thuộc quy hoạch đất kho bãi và đất giao thông. Do phường xác định chưa rõ ràng, quận chưa đủ cơ sở giải quyết. “Quy định hiện nay chỉ có cơ sở giải quyết cho trường hợp chuyển nhượng bằng giấy tay trước thời điểm ngày 1-7-2014, còn nếu người dân phân chia, chuyển đổi vào thời điểm năm 2018 thì quận chưa đủ cơ sở giải quyết. Tuy nhiên, đất có 2 mốc chuyển đổi vào năm 2003 và 2018, nên nếu ông Chỉnh có giấy tờ chứng minh cụ thể sự phân chia, chuyển đổi diễn ra trước ngày 1-7-2014 thì quận có thể xem xét, giải quyết với phần đất này”, ông Bình lý giải. Không tán đồng với giải thích này, ông Trần Văn Trí cho hay, việc mua bán, hoán đổi đã diễn ra trước khi có quy hoạch. Chính sách pháp luật thay đổi sau khi mua thì không lẽ nào bắt người dân phải chịu thiệt. Ông Trí chỉ rõ có sự vênh nhau giữa chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận và UBND quận. “Tại sao quận không cấp giấy chứng nhận mà chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai lại yêu cầu bổ sung giấy tờ? Quận đã không bám quy định, áp dụng luật không đúng”, ông Trí đáp lại. Vụ việc tiếp tục có sự tham gia trả lời của Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Văn Hồng, song các bên vẫn chưa chốt được hướng giải quyết. Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Đức Hải - người chủ trì chương trình - đề nghị Ban Pháp chế HĐND TPHCM giám sát, mời Sở TN-MT TPHCM, quận Thủ Đức và người dân cùng ngồi lại giải quyết sớm.

Nhà đất dự án cũng… vướng

Không chỉ người dân có nhà đất “lẻ” gặp khó khi làm giấy chứng nhận cho nhà đất của mình, nhiều người dân tin tưởng tính pháp lý của dự án, xuống tiền mua đất, cất nhà rồi có khi đợi cả chục năm vẫn chưa có giấy chứng nhận. Mức độ ảnh hưởng của các dự án lên tới hàng chục, hàng trăm hộ gia đình. Cư trú tại Khu dân cư Tân Hải Minh (phường Linh Tây, quận Thủ Đức), ông Đỗ Ngọc Hoài chia sẻ, nhà ông 9 năm qua vẫn chỉ có hợp đồng mua bán với chủ đầu tư. Ông Hoài xót xa: “Tôi muốn được cấp giấy tờ cho nhà đất của mình. Nhà bỏ ra nhiều tiền để mua mà không có cả tờ giấy”. Trực tiếp đến trường quay tham gia chương trình, bà Vũ Thị Bích Nhơn, cư dân ở khu dân cư này chia sẻ, tin tưởng tính pháp lý của dự án, 70 hộ dân mua đất, cất nhà nhưng đến nay, sau cả chục năm, đề nghị nhiều lần mà vẫn chưa có giấy.

Ông Trần Văn Bình, Trưởng Phòng TN-MT quận Thủ Đức, phân trần: “Quận đã yêu cầu công ty sớm làm việc với Sở TN-MT TPHCM để cấp giấy và tháng 12-2018, công ty đã có văn bản đề nghị Sở TN-MT cấp giấy”. “Vậy lộ trình việc cấp giấy đến đâu và có vướng mắc chỗ nào mà người dân vẫn còn bức xúc”, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM truy hỏi. Tuy nhiên, ông Bình chỉ nói chung chung “công ty đã đề nghị sở cấp giấy”. Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Văn Hồng lại cho rằng: “Sở đã hướng dẫn công ty, nhưng công ty chưa phản hồi” và bổ sung, trong việc này, trách nhiệm của địa phương là quan trọng. Trước sự đẩy đưa của sở và quận, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu cụ thể quận Thủ Đức phải phối hợp với sở, cùng đốc thúc chủ đầu tư sớm hoàn thiện thủ tục để cấp giấy chứng nhận cho người dân. “Người dân chưa được cấp giấy 1 ngày cũng là lâu. Để hiệu quả, quận phải phối hợp, đốc thúc, sát sao vụ việc”, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm nhắc nhở.

Tại huyện Hóc Môn, ông Trần Quang mua 2 căn nhà do Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh nhà Hoàng Hải làm chủ đầu tư. Cũng trải qua 10 năm, đến nay, ông Quang vẫn chưa được cấp giấy chủ quyền. Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Đỗ Thị Lâm Tuyền cam kết, sẽ sớm phối hợp cùng các đơn vị trình UBND TPHCM phương án giải quyết sớm nhất. Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm nhắc nhở, dự án nằm trên địa bàn huyện, huyện quản lý chưa tốt nên dẫn tới hậu quả. Đánh giá hướng ra chưa rõ ràng, chưa cụ thể chừng nào giải quyết cho người dân, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu HĐND TPHCM bám sát vụ việc này.

Trong chương trình, hai trường hợp là bà Trương Xuân Long (ngụ quận Thủ Đức) và ông Nguyễn Đức Ái (đại diện ông Nguyễn Văn Se và bà Nguyễn Thị Bảy ở huyện Bình Chánh), đã được lãnh đạo các địa phương khẳng định ngay là đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận. Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Hồng cam kết, huyện sẽ trao giấy chứng nhận cho ông Se, bà Bảy ngay trong tháng 3-2019. Trước khi kết thúc chương trình, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Đức Hải đề nghị các cơ quan, đơn vị phải tích cực giải quyết và phải có thời hạn, trả lời rõ cho cử tri. Sau chương trình, Ban Pháp chế HĐND TPHCM cần thiết kế các cuộc họp giữa các bên liên quan để giải quyết từng trường hợp cụ thể, sớm cấp giấy chứng nhận nhà đất cho người dân.

TPHCM đã cấp giấy chứng nhận cho hơn 1,52 triệu trường hợp và còn 17.300 trường hợp chưa được cấp. Sự tồn đọng này phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, phản ánh của người dân. Năm 2018, các quận, huyện và sở, ngành đã tiếp nhận gần 15.000 lượt đơn thư, khiếu nại của người dân về cấp giấy chứng nhận.

Ông PHAN THANH TUẤN Phó trưởng Ban Tiếp công dân TPHCM:

Phải có giải pháp để đảm bảo quyền lợi của người dân

Đơn thư khiếu nại về nhà đất chiếm khoảng 10% đơn thư mà Ban Tiếp công dân TP chuyển đi. Đa số sở, ngành, quận, huyện trả lời theo đúng quy định, nhưng nhiều trường hợp trả lời, giải quyết còn trễ hẹn, thậm chí kéo dài. Có nhiều nguyên nhân khiến người dân bức xúc dẫn tới khiếu nại. Trước hết, việc thụ lý và giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận còn chậm, có trường hợp hướng dẫn người dân bổ sung hồ sơ nhiều lần. Thứ hai, sau khi cấp giấy chứng nhận lần đầu, phát hiện ra việc lấn ranh, trùng thửa, hoặc cấp sai đối tượng, để lại hậu quả phức tạp, thu hồi giấy chứng nhận khó khăn. Thứ ba, trách nhiệm của các cơ quan phối hợp chưa được kịp thời; quận, huyện xin ý kiến của sở, ngành, hoặc sở xin ý kiến bộ, thì việc trả lời hiện nay cũng rất chậm, nhiều trường hợp kéo dài nhiều tháng, cả năm… Có khi nhận 2-3 bản nhưng nơi nhận văn bản cũng không trả lời và người dân bức xúc. Thứ tư, là trách nhiệm của các chủ đầu tư thực hiện dự án. Nhiều dự án, chủ đầu tư chậm trễ thực hiện nghĩa vụ tài chính, hoặc dự án đã thế chấp ngân hàng, hoặc dự án thay đổi chủ đầu tư, dẫn tới người dân mua đất ở các dự án này bị ảnh hưởng, việc đề nghị cấp giấy chứng nhận kéo dài. Mua bán giữa người dân và chủ đầu tư là mối quan hệ dân sự, nhưng về mặt quản lý nhà nước, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu giải pháp để hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp của người dân.
Ông LÊ MINH ĐỨC Phó Trưởng Ban Pháp chế, HĐND TPHCM:

Năng lực cán bộ hạn chế

 Qua khảo sát, Ban Pháp chế HĐND TPHCM nhận thấy, còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của người dân về cấp giấy chứng nhận. Một số cơ quan, cá nhân có thẩm quyền chưa thực sự gắn việc tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị, phản ánh; tinh thần trách nhiệm và năng lực của một số cán bộ, công chức ở các cấp, các ngành và của người đứng đầu còn hạn chế dẫn đến chất lượng giải quyết khiếu nại, kiến nghị cũng hạn chế theo.
Việc theo dõi quá trình giải quyết khiếu nại, kiến nghị, phản ánh sau khi chuyển đơn còn chưa tốt; nhất là trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế nên đã tham mưu ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính không đúng... dẫn đến bị người dân khiếu nại. Trong khi đó, pháp luật hiện hành chỉ quy định xử lý, giải quyết khiếu nại của công dân nhưng không có quy định, quy trình giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh nên thời gian, kết quả giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh thường kéo dài và chưa có sự đồng bộ, gây bức xúc cho người dân. TPHCM chưa có phần mềm dùng chung để kết nối dữ liệu thông tin từ TP đến quận, huyện, phường, xã, thị trấn nên việc tiếp nhận và giải quyết đơn thư chưa đạt hiệu quả cao.

Tin cùng chuyên mục