Tại cuộc làm việc, các bộ ngành đã báo cáo một số kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ phòng chống dịch Covid-19. Việt Nam đã huy động tổng lực nguồn nhân lực chất lượng cao, mời các nhà khoa học và các tập đoàn, doanh nghiệp tham gia công tác này. Nhờ đó, chúng ta đạt nhiều thành tựu trên nhiều mặt về nghiên cứu cơ bản xác định các chủng virus mới; phát triển kit xét nghiệm, sản xuất máy thở; nghiên cứu phác đồ, phương pháp điều trị mới; nghiên cứu, sản xuất vaccine; tiếp cận nghiên cứu chuyển giao công nghệ mới với các đối tác nước ngoài…
Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ phải thống nhất nhận thức, coi vaccine là yếu tố có tính chất quyết định, chiến lược, lâu dài trong phòng chống dịch nói chung và đặc biệt là phòng chống dịch Covid-19 nói riêng. Để chủ động thực hiện chiến lược vaccine, phải sản xuất được vaccine trong nước.
Hai trụ cột của chiến lược vaccine là: Huy động mọi nguồn lực, mọi khả năng, tiếp cận dưới mọi hình thức, bằng mọi cách mua được vaccine nhiều nhất, nhanh nhất; đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine trong nước. Cùng với đó, tiến hành bảo quản, tiêm vaccine nhanh nhất, an toàn nhất, hiệu quả nhất cho người dân. Tất cả những công việc này phải tiến hành khẩn trương, “vừa chạy vừa xếp hàng”.
Hiện nay, việc tiếp cận nguồn vaccine trên thế giới không dễ dàng, ngân sách còn khó khăn, việc tiêm vaccine lại phải tiến hành định kỳ lâu dài theo tinh thần sống chung an toàn với dịch bệnh. Do đó, Thủ tướng yêu cầu phải phát huy trí tuệ, bản lĩnh của người Việt Nam để nghiên cứu, sản xuất, chủ động được nguồn vaccine, nhất là khi virus có thể tiếp tục biến chủng, nhiều loại dịch bệnh khác có thể tiếp tục xuất hiện trong tương lai.
Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ bằng được các vướng mắc về mặt pháp lý, vấn đề nào thuộc thẩm quyền thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý, vấn đề nào vượt thẩm quyền báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Song song đó, huy động nguồn lực, kinh phí bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó hợp tác công - tư là chủ đạo, bảo đảm hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp, cùng với các hình thức huy động, các nguồn hợp pháp khác như Quỹ vaccine phòng Covid-19, mục tiêu tất cả vì sức khỏe và sinh mạng của người dân, của cộng đồng.
Thủ tướng cũng nêu rõ, phải có ngay cơ chế, chính sách, khuyến khích cả về vật chất và tinh thần để tập hợp, huy động và nâng cao trình độ để các nhà khoa học có động lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vaccine. Nghiên cứu rút ngắn thời gian thử nghiệm và đánh giá vaccine, vừa thận trọng, bảo đảm an toàn, vừa phù hợp với thực tiễn. Nghiên cứu rút gọn quy trình cấp phép vaccine trên cơ sở thực tiễn và khoa học, bảo đảm an toàn, kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch, khách quan, chống tiêu cực.
Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo quốc gia làm đầu mối, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine nói chung và vaccine Covid-19 nói riêng; xây dựng ngay chương trình quốc gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine. Bộ Y tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine; xây dựng kế hoạch chiến dịch tiêm vaccine trong thời gian tới.
PGS-TS Hồ Anh Sơn, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự (Học viện Quân y), cho biết, theo kế hoạch, hôm nay 8-6, vaccine Nano Covax sẽ bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ 3 trên người tình nguyện. Trong giai đoạn 3, vaccine Nano Covax sẽ triển khai tiêm thử nghiệm tại nhiều trung tâm trong nước với sự tham gia của hơn 10.000 tình nguyện viên. Ở miền Bắc, thử nghiệm lâm sàng tại Học viện Quân y và tỉnh Hưng Yên; phía Nam có Viện Pasteur TPHCM và tỉnh Long An tham gia. Giai đoạn thử nghiệm thứ 3 cũng sẽ chia thành nhiều giai đoạn nhỏ. Các tình nguyện viên được tiêm duy nhất nhóm liều 25mcg và nhóm tiêm giả dược đối chứng. |