Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh xung quanh vấn đề đang được người dân đặc biệt quan tâm này.
* PHÓNG VIÊN: Những điểm nóng BOT đã xuất hiện và kéo dài khá lâu, thế nhưng cho đến nay, những bất cập, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết, theo ông vấn đề chính ở đây là gì?
- TS VŨ ĐÌNH ÁNH: Tôi cho rằng chưa thể giải quyết được những bất cập của các dự án BOT vì chúng ta mới chỉ xác định được các nhóm vấn đề chứ chưa thực sự bắt tay vào giải quyết nó. Ví dụ, một số trạm thu phí vẫn nằm ở những vị trí không hợp lý dẫn tới người dân không có sự lựa chọn; thông tin về dự án vẫn chưa được công bố rộng rãi tạo điều kiện cho người sử dụng giám sát, nhất là trong quá trình thu phí.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra một tiêu chuẩn chung nào cho việc xây dựng đường cao tốc để làm cơ sở xác định giá trị đầu tư, tính toán lượng xe, mức thu phí, thời gian thu phí khiến người dân có cảm giác đầu tư BOT rất thiếu minh bạch…
* Nhưng thời gian gần đây, Bộ GTVT đã rất nỗ lực cải thiện, bằng chứng là có những dự án đã thực hiện miễn giảm mức phí, mở rộng địa bàn được hưởng miễn giảm phí cho người dân, đây cũng là phương án mà Bộ GTVT đang xem xét cân nhắc để khôi phục thu phí tại trạm BOT Cai Lậy, ông có nhận xét gì về phương án này?
- Không phủ nhận là Bộ GTVT và các cơ quan, địa phương liên quan đã có nhiều nỗ lực giải quyết các bức xúc của người dân về BOT. Thế nhưng, như tôi đã nói ở trên, xác định được vấn đề thì phải giải quyết chính vào vấn đề đó chứ không phải giải quyết loanh quanh nhằm xoa dịu dư luận. Việc miễn giảm mức phí cho người dân xung quanh trạm thu phí và mở rộng địa bàn được miễn giảm là cần thiết, giúp giảm bức xúc cho người dân, nhưng đây vẫn không phải giải pháp có thể giải quyết triệt để vấn đề. Trạm thu phí đặt sai vị trí thì phải đặt lại, không nên để tình trạng người dân không sử dụng một kilômét đường BOT nào hoặc chỉ một đoạn rất ngắn nhưng vẫn phải trả tiền cho cả tuyến. Nếu không giải quyết được thực trạng này thì bức xúc của người dân sẽ vẫn còn. Bộ GTVT và địa phương liên quan cần hết sức cân nhắc, xem xét kỹ các mặt của vấn đề trước khi quyết định.
* Trong khi nỗ lực giải quyết những kiến nghị của người dân, dường như Bộ GTVT lại đang đẩy bức xúc BOT sang phía doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đang than vãn vì dự án bị sụt giảm doanh thu, có doanh nghiệp đòi trả lại dự án. Theo ông, làm thế nào để có thể giải quyết dứt điểm được những bất cập này?
- Trong các hợp đồng BOT, các phương án đều dự tính trong tương lai, lưu lượng phương tiện, mức thu và thời gian thu dự kiến... Tuy nhiên, lộ trình thực tế lại có những thay đổi, cả về khách quan và chủ quan, đáng tiếc là các cơ quan quản lý chưa có hướng dẫn điều chỉnh cho phù hợp.
Để giải quyết vấn đề này, theo tôi, khi có sự thay đổi, mà chắc chắn là sẽ có thay đổi, các bên liên quan trong hợp đồng phải ngồi đàm phán lại, cùng chia sẻ những khó khăn chung và cùng tháo gỡ, trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi chính đáng cho Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, thậm chí có thể làm lại hợp đồng. Vẫn biết trong bối cảnh ngân sách đang hạn hẹp, Nhà nước không thể bỏ tiền ra để mua lại các dự án BOT gây bức xúc cho người dân, tuy nhiên, trong một số trường hợp, Nhà nước có thể đứng ra nhận lại dự án, trả lại tiền đã đầu tư cho doanh nghiệp và Nhà nước tổ chức thu phí.
* Gần đây, nhiều dự án BOT đã bộc lộ các vấn đề như nghi án bán thầu, chất lượng dự án kém dẫn đến phải dừng thu phí, ví dụ dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dự án nâng cấp cải tạo quốc lộ 1 đoạn qua Bình Định... Theo ông, thực trạng này cho thấy bất cập gì trong quản lý các dự án BOT?
- Những bất cập của các dự án BOT như chúng ta vừa nói ở trên thực ra chỉ là phần ngọn, cái gốc của vấn đề là trong thời gian qua đầu tư xây dựng đường BOT đã có nhiều vi phạm trong tất cả các khâu thực hiện. Trong đó, quan trọng nhất là khâu chọn nhà đầu tư đã làm không tốt. Rất nhiều nhà đầu tư BOT có năng lực yếu kém cả tài chính, công nghệ, kinh nghiệm vẫn được tham gia làm những dự án hàng chục ngàn tỷ đồng. Sau đó, trong quá trình triển khai dự án, các cơ quan quản lý nhà nước lại phó mặc dự án cho nhà đầu tư, để các nhà đầu tư “tự tung tự tác”.
Hậu quả là chất lượng dự án không đảm bảo. Rất may là bất cập của dự án còn bộc lộ ra sớm, ngay trong thời gian bảo hành dự án, nếu dăm ba năm nữa mới xảy ra thì lại mất tiền tỷ để sửa chữa, hệ lụy cuối cùng vẫn là người dân phải gánh. Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm về những bất cập này, còn các sai phạm cụ thể thì các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
* Vậy theo ông, trong thời gian tới, Bộ GTVT cần khắc phục như thế nào?
- Từ trước đến nay, các giải pháp xử lý bất cập BOT vẫn mang tính đơn lẻ, vụ việc nên chưa thể giải quyết được vấn đề, do đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT phải nghiên cứu giải pháp tổng thể, toàn diện xử lý vấn đề này.
Theo tôi, Bộ GTVT phải rà soát lại, xác định rõ bản chất của các vấn đề BOT là gì để khắc phục. Về lâu dài, Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan cần thiết kế lại chính sách, cơ chế, chế tài để vừa thu hút được vốn đầu tư xã hội vừa tăng cường quản lý giám sát của nhà nước và nhân dân, từ đó thực sự phát huy được ưu điểm của loại hình đầu tư BOT trong xây dựng hạ tầng giao thông.
* Cảm ơn ông!