Thảo luận luật này, các ý kiến quan tâm nhiều đến vấn đề mua sắm thuốc, vật tư y tế. Là người làm trong ngành y tế, ĐB Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho rằng, thời gian qua, những vi phạm chủ yếu trong mua sắm đấu thầu chính là từ giá gói thầu. Giá gói thầu là nội dung đặc biệt quan trọng trong xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hiện nay việc xác định giá gói thầu đang tồn tại nhiều bất cập.
Một trong các phương thức xác định giá gói thầu là phương thức sử dụng 3 báo giá. Bởi phương pháp lấy 3 báo giá mà hiện nay rất nhiều đơn vị sử dụng không bảo đảm giá hàng hóa là giá thị trường trong một khoảng thời gian, không gian nhất định, không phải là giá giao dịch thành công, hợp pháp, công khai và cạnh tranh nên không thể sử dụng làm căn cứ xác định giá gói thầu. Nhưng trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) không có hướng dẫn về việc xác định giá gói thầu. ĐB đề nghị quy định nguyên tắc xác định giá gói thầu ngay trong dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ quy định cụ thể, chi tiết nội dung này.
ĐB Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội). Ảnh: QUANG PHÚC |
ĐB cũng đề nghị làm rõ quy định về chỉ định thầu. Dự thảo quy định việc chỉ định các gói thầu phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân. Quy định này rất cần thiết trên thực tế, nhưng khái niệm “gói thầu cần triển khai ngay” có thể dẫn đến nguy cơ áp dụng tùy tiện hình thức chỉ định thầu. Cụm từ “cần triển khai ngay” được quy định từ Luật Đấu thầu năm 2013 đã gây ra sự lúng túng trong áp dụng, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh.
Một số đơn vị áp dụng hình thức chỉ định thầu với lý do “cần triển khai ngay tránh gây nguy hại đến sức tính mạng, sức khỏe người dân” đã bị xác định là vi phạm trong việc lựa chọn hình thức đấu thầu. Do đó, ĐB cho rằng, khái niệm khi nào “cần triển khai ngay” phải được cụ thể hóa trong luật. Bên cạnh đó, ĐB đề nghị bổ sung chính sách của nhà cung cấp và quy định rõ việc nhà thầu chuyển giao quyền sử dụng không thu tiền với thiết bị y tế cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phát biểu tranh luận. Ảnh: QUANG PHÚC |
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) tranh luận với các ý kiến về việc đấu thầu mua sắm tập trung. Trước ý kiến của một số đại biểu đề nghị bỏ quy định “trường hợp mua thuốc hiếm, thuốc cần mua số lượng ít thì có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung”, ĐB Nguyễn Anh Trí đặt lại câu hỏi nếu bỏ quy định này thì lấy đâu ra thuốc chữa cho bệnh nhân nhất là với những bệnh hiếm, bệnh nhân ở xa… ĐB chia sẻ với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành thấm thía điều này khi thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân do đấu thầu quá ít, nhiều nhà cung cấp không bán. Do đó, Bộ Y tế đã có một đơn vị đấu thầu tập trung để đấu thầu chung cho cả nước. Từ thực tế trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị giữ quy định này trong luật.
ĐB Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) cũng cho rằng, qua đại dịch Covid-19 cho thấy năng lực đáp ứng và tiếp cận các vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, vaccine, trang thiết bị còn nhiều hạn chế, một phần do các quy định về quản lý, đấu thầu trang thiết bị y tế còn nhiều bất cập. Để tháo gỡ những hạn chế, bất cập này, ĐB đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo luật nội dung “khi có tình huống khẩn cấp, tổ chức được giao mua sắm có thể ứng trước hàng hóa để phục vụ đúng mục đích, yêu cầu cấp bách theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, sau đó thực hiện quy trình chỉ định thầu rút gọn theo quy định”.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: QUANG PHÚC |
Giải trình lại các ý kiến, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là vướng mắc lớn trong thời gian vừa qua, dự thảo luật đã tháo gỡ. Nhưng ông cho rằng vấn đề này còn chủ yếu do khâu thực hiện, hoặc là những bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định của nghị định và thông tư, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất cụ thể để tháo gỡ, theo hướng tăng tính tự chủ tự chịu trách nhiệm của các bệnh viện…