Nhiều người trong đó là người trẻ, những YouTuber, Facebooker đang lăm lăm điện thoại để ghi hình, thậm chí là livestream trên mạng xã hội. Phần còn lại là những người tò mò, đến hóng chuyện rồi buôn chuyện như mình là người trong cuộc.
Vào đêm 13-2, khi cơ quan chức năng phong tỏa khu vực trên, cũng đã có vài trăm người rôm rả đến “đưa tin” và hóng chuyện ở khu vực này, gây nên cảnh náo loạn, có thể thấy rõ trong các clip tại hiện trường của một số trang Facebook cũng như kênh YouTube. Thậm chí còn nghe rõ văng vẳng giọng ai đó: “Phải nó không tụi bây? Chắc không phải nó. Để tao chui vô coi”; hay tiếng của ai đó khi nhìn thấy một đối tượng được “kẹp chặt” đưa ra khỏi hiện trường bằng xe máy: “Hổng phải nó đâu, nó còn trỏng đó…”.
Có lẽ bên cạnh việc phải cực khổ vây bắt đối tượng gây nguy hiểm đến an toàn xã hội thì lực lượng chức năng chốt ở đây từ những ngày đầu khi vụ án diễn ra cho đến đêm qua khi tiêu diệt đối tượng này cũng đã rất đau đầu với những thành phần vô công rỗi nghề kiên trì bám trụ nơi diễn ra vụ án lẫn nơi tiêu diệt đối tượng. Sao mà nhiều người rảnh rỗi đến thế?
Và không phải tự nhiên mà mấy Facebooker, YouTuber đeo bám vụ này kỹ càng đến vậy. Trên trang Facebook Anh H.R. có hơn 10.000 lượt theo dõi, lượng xem trực tiếp các video thực hiện tại hiện trường tăng từng giờ. Những clip như “Tuấn “khỉ” bị tiêu diệt trong căn nhà như thế nào”, “Toàn cảnh 12 giờ bao vây căn nhà hoang…” hay “Cận cảnh 3 xe cứu thương đưa… rời khỏi giữa đêm khuya” mà Facebooker này thực hiện đêm 13-2 và trưa 14-2 có lượng xem cao, cả ngàn lượt, kèm vô số bình luận của những gương mặt trẻ: Bị tiêu diệt thiệt không ạ? Hoan hô add vô tận nơi, thiệt là dũng cảm… Hay trên kênh YouTube R.T. có gần 13.000 người đăng ký, kỳ công đăng clip dài hẳn 57 phút chủ yếu là cảnh người nói xôn xao mà cũng thu hút vài trăm lượt xem lẫn bình luận. Hay “mạnh” hơn là kênh T.T.Việt, video clip “Tin nóng: Tuấn “khỉ” đã bị tiêu diệt…”, dài 12 phút, thu hút hơn 500.000 lượt xem, cả ngàn lượt thích và bình luận…
Trong khi Luật An ninh mạng có hiệu lực thời gian qua, được nhiều người dân ủng hộ khi xử lý cả hành chính lẫn hình sự một số trường hợp mượn không gian mạng đưa tin sai, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng an ninh, trật tự xã hội thì vẫn có một lực lượng khác, sử dụng Facebook và YouTube đăng tải clip kích động người dân như trên. Nếu có thời gian đọc hết những bình luận trên các trang và kênh này sẽ thấy rõ rất nhiều biểu hiện, suy nghĩ sai lệch của người xem liên quan đến vụ việc; thậm chí là phản động, nói xấu, bôi nhọ chính quyền và lực lượng chức năng.
Quản lý không gian mạng cũng cần phải có chế tài với những cá nhân sử dụng không gian này kiếm tiền phi đạo đức và tạo điều kiện cho người xem thể hiện quan điểm sai trái.