Nội dung những bức tranh mô tả đời sống sinh hoạt người dân với sắc màu rực rỡ, mang đến nhiều ngạc nhiên, thích thú cho du khách. Tuy nhiên, hiện nay những bức tranh tường đang đối diện với nguy cơ hư hại và biến dạng, không gian làng quê bị phá vỡ.
Du khách thất vọng
Từ khi làng bích họa có khách đến tham quan, người dân nơi đây đã đổ xô làm dịch vụ, nhiều quán nước, giữ xe và homestay... bắt đầu mọc lên, khiến không gian làng quê mất đi vẻ thanh bình vốn có. Một số nhà đầu tư từ nơi khác tới tìm mua đất với giá cao, không ít hộ dân đã bán nhà đi nơi khác sinh sống. Một vùng quê ven biển vốn hiu hắt, bình lặng bao đời nay, bỗng trở nên sôi động hẳn. Ông Phan Văn Thanh, người dân sống trong làng cho biết, đa số người mua đất đến từ ngoại tỉnh. Riêng ngôi nhà gia đình ông đang ở hơn 200m2 được trả giá trên 2 tỷ đồng, nhưng ông không bán. Hai căn nhà sát vách gia đình ông thì đã được bán với giá gần 1,8 tỷ đồng/căn.
Bên cạnh mua đất đầu cơ, việc xây mới những căn nhà để phục vụ kinh doanh du lịch đã khiến không gian làng quê biến dạng. Một vài hộ dân cũng đã đập nhà, xây mới hoặc sơn phết lại những bức tường nhà để đón khách. Nhiều bức tranh tường được vẽ trước đây đã mất. Các hộ dân còn thuê người về tự vẽ lại những bức tranh với bố cục, màu sắc, mỹ thuật, kỹ thuật sơ sài, rối rắm.
Không ít du khách lần đầu đến tham quan làng đã “vỡ mộng”. Ông Đức Anh, du khách đến từ Đà Nẵng cho biết, thấy trên mạng đăng nhiều bức tranh đẹp và hấp dẫn về làng bích họa nên đã cùng bạn bè đến tham quan. Nhưng khi tới nơi thì cảm thấy rất thất vọng, “ngoài mấy bức tranh vẽ tường ít ỏi, hầu như không còn gì, kể cả không gian làng quê cũng đang dần mất đi. Việc xuất hiện nhiều ngôi nhà mới với các bức tranh người dân tự thuê người vẽ, không những không đẹp mà còn làm ảnh hưởng đến toàn bộ không gian thẩm mỹ của làng, trông rất phản cảm...”, ông Đức Anh chia sẻ.
Đìu hiu con đường thuyền thúng
Khai trương đúng dịp Festival di sản Quảng Nam đầu tháng 6-2017 vừa qua, bộ tranh “Con đường thuyền thúng” đầu tiên của Việt Nam với những bức họa về con người, thiên nhiên… được các họa sĩ, tình nguyện viên vẽ trên 111 chiếc thuyền thúng, thuyền nan cũ, đã mang đến nét mới lạ trên con đường vào làng bích họa. Dù chỉ mới đi vào hoạt động hơn 3 tháng, đến nay “Con đường thuyền thúng” đã trở nên hoang vắng, đìu hiu, kể cả những tấm biển quảng cáo, hướng dẫn cũng rách nát, nhưng không được thay thế, dọn dẹp. Cũng như làng bích họa, khách đến đây chỉ một lần duy nhất và hầu như không trở lại.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Tam Thanh, bên cạnh “Con đường thuyền thúng”, hiện khu vực thôn Trung Thanh có 74 ngôi nhà được vẽ tranh lên tường, trong đó 2 nhà đã bị chủ nhân đập để xây mới. Ngoài tuyên truyền, vận động người dân cố giữ lại những bức tranh tường, vì đây là tài sản chung của làng, xã, thì xã cũng không thể làm được gì hơn. “Hai căn nhà bị đập vừa qua hầu như đã xuống cấp nên phải cho người dân làm lại. Riêng việc người dân tự vẽ thêm các bức tranh mới trên tường, chúng tôi cũng đã tuyên truyền để dân biết, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến sự hài hòa của bố cục tổng thể. UBND xã cũng đã kiến nghị lên thành phố để có hướng quản lý, nhất là về mặt quản lý kiến trúc xây dựng nhà cửa tại làng bích họa”, ông Bình cho biết.
Theo ông Phan Xuân Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Emic Hospitality Hội An (người chuyên đầu tư khai thác những ngôi làng để làm du lịch), cho rằng: Nếu không có giải pháp và hướng đi phù hợp thì làng bích họa Tam Thanh sẽ mất. Nguy hiểm hơn là làng quê yên bình vốn có sẽ bị biến tướng theo chiều hướng tiêu cực. Việc nhiều nhà đầu tư bất động sản đổ xô mua đất ở Tam Thanh không phải để làm du lịch mà chỉ để bán qua lại kiếm lời sẽ khiến Tam Thanh không còn là một làng quê đúng nghĩa. “Với thực trạng như hiện nay, Tam Thanh sẽ không bao giờ còn làng. Nếu làm đô thị thì sao bằng Đà Nẵng, Hội An được, mà khách cũng không cần phải đến đây để xem đô thị. Cái hay của Việt Nam là văn hóa lúa nước, văn hóa làng xã, văn hóa sống của cộng đồng mà du khách muốn khám phá. Do đó, chúng ta phải giữ lại làng quê thì hiệu quả du lịch sẽ rất lớn”, ông Thanh phân tích.
Bà Đặng Tuyết Lan, Phó Trưởng phòng VH-TT thành phố Tam Kỳ thừa nhận, có nhiều khó khăn để giữ gìn và phát huy làng bích họa và “Con đường thuyền thúng” tại Tam Thanh, đặc biệt là vấn đề kinh phí. Kể cả đề án du lịch trình HĐND vừa rồi cũng không được thông qua vì không có tiền. Kinh phí cho du lịch chủ yếu trông chờ vào xã hội hóa, giải pháp trước mắt là đến mùa mưa sẽ cất các thuyền thúng vào. Kế hoạch sang năm sẽ tiếp tục làm mới, vẽ thêm tranh tường và thuyền thúng nhằm thay thế những cái hư cũ để duy trì các tác phẩm nghệ thuật.