Gần 50 tham luận cùng các ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội thảo đã tập trung vào một số nội dung như: nhận thức chung về "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam"; quan điểm bước đầu về nội hàm và trụ cột phát triển của "kỷ nguyên mới"...
Phát biểu tham luận tại hội thảo, GS-TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, yêu cầu có ý nghĩa đột phá trong kiến tạo kỷ nguyên mới là đột phá về tư duy, nhận thức. Theo đồng chí, kỷ nguyên mới yêu cầu phải tạo đột phá trong huy động, sử dụng tối ưu các nguồn lực còn rất tiềm tàng của đất nước (tài nguyên, con người, các nguồn lực trong dân, các nguồn lực bên ngoài, lợi thế địa chính trị, địa kinh tế của đất nước…).
Bên cạnh đó là yêu cầu phải phát huy đến mức cao nhất các động lực phát triển đất nước, đặc biệt là tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, khát vọng sáng tạo và cống hiến của toàn dân, của con người Việt Nam. “Kỷ nguyên mới cũng đặt ra yêu cầu hàng đầu là nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng Đảng thực sự là đạo đức, văn minh, thực sự tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc, của thời đại”, GS-TS Phùng Hữu Phú nêu.
PGS-TS Lê Hải Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng một nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả và linh hoạt không chỉ đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, mà còn là nền móng để hiện thực hóa khát vọng phát triển của Việt Nam.
Những giải pháp được đề xuất, từ nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đến hoàn thiện thể chế pháp quyền và ứng dụng công nghệ số, là các trụ cột giúp xây dựng một hệ thống quản trị minh bạch, trách nhiệm và đổi mới, đáp ứng nhu cầu của người dân và tạo động lực phát triển bền vững.
Phát biểu của PGS-TS Lê Minh Thông, nguyên trợ lý Chủ tịch Quốc hội đáng chú ý khi cho rằng, bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đó là cuộc cách mạng toàn diện của toàn Đảng, toàn dân. Sẽ có rất nhiều thách thức mà nếu không có quyết tâm chính trị lớn thì khó vượt qua những thách thức này. Một trong những thách thức lớn là tạo ra động lực mới.
Ông cho rằng, đổi mới, hoàn thiện tổ chức của các thiết chế trong hệ thống chính trị là một trong những yếu tố để tạo ra động lực mới. Đây là một trong những nhiệm vụ căn bản, rất khó khăn, nếu không quyết tâm thì không thể làm vì động chạm rất nhiều, nhưng chúng ta phải tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trước yêu cầu đổi mới.
Theo PGS-TS Lê Minh Thông, trước hết phải đổi mới trong Đảng, tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, với trọng tâm là đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị; đổi mới về bộ máy, về công tác tổ chức cán bộ, để Đảng ta thực sự đạo đức và văn minh. Song song, phải khắc phục quyết liệt sự cồng kềnh của bộ máy, phải tinh gọn bộ máy theo hướng hiệu quả.
Theo ông, phải mạnh dạn khắc phục tình trạng bộ máy đảng song trùng với bộ máy nhà nước, chồng chéo chức năng, lẫn lộn trách nhiệm; phải nghiên cứu để nhất thể hóa các chức vụ lãnh đạo giữa Đảng và bộ máy nhà nước, theo nguyên lý trong một bộ máy, một địa phương chỉ có một người đứng đầu, người đứng đầu cấp ủy đồng thời là người đứng đầu chính quyền cùng cấp; bố trí kiêm nhiệm ở một số chức vụ quan trọng giữa cơ quan đảng và cơ quan nhà nhà nước, tạo điều kiện tinh gọn hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.
Ông Lê Minh Thông cũng cho rằng, cần tinh gọn bộ máy tổ chức của Đảng, theo hướng các cấp ủy từ Trung ương đến các cấp địa phương sử dụng hiệu quả tổ chức bộ máy nhà nước trong vai trò là các cơ quan tham mưu trực tiếp cho cấp ủy, đồng thời là cơ quan thực thi quyền lực nhà nước theo đúng các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Nghiên cứu hợp nhất một số cơ quan tham mưu của Đảng tại mỗi cấp, hình thành các cơ quan tham mưu tổng hợp, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong tham mưu, thẩm định chủ trương, chính sách, nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy đảng tại mỗi cấp.
Cùng với đó, xây dựng nhà nước hiệu lực hiệu quả, nhà nước chỉ làm những gì mà xã hội, doanh nghiệp không làm được, nhà nước không làm thay, nhà nước phải tinh gọn, phải thu gọn bộ máy lại. Quốc hội cũng phải thay đổi tư duy lập pháp, làm luật phải ổn định, lâu dài, không quá đi vào chi tiết.
Bên cạnh đó, theo ông Lê Minh Thông, Chính phủ cũng phải tinh gọn lại. Cần tiếp tục kiện toàn tổ chức Chính phủ theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại.
“Tiếp tục tinh gọn cơ cấu tổ chức bộ máy Chính phủ theo nguyên tắc bộ đa ngành, đa lĩnh vực, mỗi nhiệm vụ quản lý chỉ do một bộ chịu trách nhiệm, tạo căn cứ để giảm bớt số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ so với số lượng hiện hành; tái cấu trúc lại các cơ quan thuộc Chính phủ theo mô hình các cơ quan thực thi để khắc phục tình trạng lẫn lộn chức năng hoạch định chính sách pháp luật và chức năng tổ chức thực thi chính sách, phòng, chống nguy cơ lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm vừa đá bóng, vừa thổi còi", ông Lê Minh Thông chỉ ra.
Chính quyền địa phương phải được phân cấp phân quyền mạnh, dựa trên những điều kiện cụ thể, không cào bằng địa phương nào cũng phân cấp phân quyền như nhau, để địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
“Đội ngũ cán bộ cũng phải được đổi mới, công tác cán bộ phải được đổi mới sâu, vì công tác cán bộ là then chốt của then chốt. Công khai hóa công tác cán bộ, dựa vào dân để làm công tác cán bộ, phải trao cho đảng viên, nhân dân quyền lựa chọn cán bộ. Nói tóm lại, đổi mới lần này phải làm từ trên xuống”, ông Lê Minh Thông nhấn mạnh.