Không phải đến giờ TPHCM mới có kế hoạch “đô thị hóa” các huyện và một số vùng đất hoang hóa khác, mà cách nay gần 30 năm, trong Đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM (xây dựng lần đầu tiên vào năm 1993), thành phố đã “cân nhắc đến việc phát triển Thủ Thiêm” - khi đó đây là vùng đất phần lớn cỏ mọc lút đầu người. Năm 1998, lần điều chỉnh đầu tiên đồ án quy hoạch này, ý tưởng xây dựng các khu đô thị vệ tinh bên cạnh khu đô thị hiện hữu đã manh nha. Đến năm 2010, việc hình thành các khu đô thị vệ tinh đã được xác định rõ trong đồ án điều chỉnh (lần 2) quy hoạch chung xây dựng TPHCM. Theo đó, hướng Bắc có đô thị Tây Bắc với diện tích khoảng 6.000ha gồm một số xã của huyện Hóc Môn và toàn bộ huyện Củ Chi; hướng Đông có khu đô thị khoa học - công nghệ với hạt nhân là Khu công nghệ cao gần 900ha, Khu đại học khoảng 800ha, Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc gần 400ha; hướng Nam với trung tâm là Khu đô thị Nam Sài Gòn gần 3.000ha và Khu đô thị cảng Hiệp Phước khoảng 3.900ha; phía Tây có Khu đô thị Tân Túc, huyện Bình Chánh khoảng 500ha. Các khu đô thị vệ tinh này sẽ được đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội, kết nối với khu đô thị trung tâm hiện hữu bằng các tuyến đường giao thông huyết mạch và các phương thức vận tải hành khách công cộng. Sẽ có các vùng đệm là công viên cây xanh hoặc vùng trồng trọt nông nghiệp giữa đô thị vệ tinh với đô thị trung tâm hiện hữu.
Giấy tờ rành mạch là vậy, nhưng trên thực tế, việc phát triển đô thị ở TPHCM thời gian qua chưa như kỳ vọng. Đô thị hóa đã diễn ra ở các huyện ngoại thành nhưng đều theo kiểu “vết dầu loang”. Ngay cả ở khu vực phía Nam, mặc dù hình thành nhiều khu đô thị mới hiện đại như Phú Mỹ Hưng, nhưng dọc các tuyến giao thông kết nối từ trung tâm tới đây gần như không có vùng đệm cây xanh, công viên, hồ nước mà hầu hết là nhà và nhiều công trình xây dựng khác. Hệ quả là, ngập nước, kẹt xe xảy ra ở rất nhiều nơi trong khu vực. Ở phía Đông, dù đã có Khu công nghệ cao, Khu đại học… nhưng hạ tầng kỹ thuật, xã hội đi kèm lại thiếu và chất lượng chưa cao. Nơi đây có nhiều khu nhà trọ dành cho công nhân vừa chật chội, vừa không đảm bảo vệ sinh môi trường…
Đô thị hóa là quá trình tất yếu, không chỉ tại TPHCM hay cả nước, mà còn diễn ra rất mạnh mẽ tại nhiều quốc gia. Bởi đô thị hóa góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động. Tại TPHCM, đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, tỷ trọng đất nông nghiệp lớn nhưng đóng góp của ngành nông nghiệp vào GRDP của thành phố chỉ 0,8%. Trong khi đó, đất công nghiệp, dịch vụ chỉ chiếm 8% nhưng đóng góp đến 99% GRDP.
Lợi ích của đô thị hóa rõ như vậy, nên việc TPHCM xây dựng đề án huyện lên thành phố là hợp lý và đúng đắn. Chỉ có điều, nếu quá trình này không có kế hoạch cụ thể, triển khai và kiểm soát chặt chẽ sẽ gây ra những tác động tiêu cực tới môi trường, chất lượng sống của người dân. Tại TPHCM, thời gian qua, dù có quy hoạch xây dựng nhưng việc thực thi không được kiểm soát khiến thành phố phải đối mặt với rất nhiều vấn nạn: ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường... Như vậy, có thể nói, dù lên quận hay thành phố thì các huyện cũng phải có kế hoạch thực thi hướng tới phát triển bền vững.