Chiều 31-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) giai đoạn 2016-2021.
Các ĐB đều thể hiện sự bức xúc khi cho rằng, trong khi chúng ta kiếm từng đồng cho ngân sách rất khó khăn thì báo cáo giám sát về THTK, CLP khiến ĐBQH rất đau xót, lo lắng.
ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cũng chỉ rõ tình trạng lãng phí trong sử dụng nhân lực ở khu vực công. Tính đến cuối 2021, chúng ta giảm 10,01% công chức, viên chức giảm 11,12% so với 2015, vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết của Đảng là tối thiểu 10%. Đây là thành tích đáng ghi nhận. Nhưng theo ĐB Mai Hoa, chủ trương tinh giản biên chế rất đúng, nhưng dường như kết quả thu lại là “giản” mà chưa “tinh”; vì đối tượng tinh giản chủ yếu đang tập trung ở những người nghỉ hưu đúng tuổi, chuyển công tác, chưa tinh giản được những người cần đưa ra khỏi bộ máy (một bộ phận “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, có “vị trí” nhưng khó bố trí “việc làm”).
ĐB cũng cho rằng, chúng ta nói nhiều đến chính sách thu hút, tuyển dụng người giỏi vào bộ máy nhà nước, nhưng tuyển dụng xong lại để nhiều người ngồi chờ cơ hội mà không trọng dụng, lâu dần họ chán nản và bỏ việc. Trong khi những người giỏi thì lại phải gánh nhiều việc, tạo áp lực lớn, khiến họ nghỉ việc, chuyển việc. Do đó, cần phải xem xét lại việc thực hiện tinh giản biên chế cho thực sự hiệu quả.
ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa cũng phân tích những con số công chức nghỉ việc, bỏ việc thời gian qua, trong đó người nghỉ việc có độ tuổi, từ 40 tuổi trở xuống chiếm 64,77%, số tuyển vào rất ít để cho rằng, hiện nay, người lao động lựa chọn môi trường làm việc, thu nhập, do đó khu vực công sẽ khó thu hút đội ngũ trẻ, có nguy cơ dẫn đến già hóa nhân lực khu công vực công trong những năm tới, nếu không có chính sách thì sẽ có độ hẫng về nhân lực trong khu vực công thời gian tới. Do đó, cần có chính sách để thu hút người tài vào bộ máy nhà nước cũng như có cơ chế tiền lương đủ hấp dẫn để giữ chân họ.
ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) quan tâm đến lãng phí lớn ở lĩnh vực đầu tư công. Dẫn chứng đến dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An được xây dựng trên quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến nay đã qua ba nhiệm kỳ Thủ tướng Chính phủ, ba nhiệm kỳ Bộ trưởng nhưng vẫn chưa hoàn thành. Các hộ dân vùng ngập lòng hồ của dự án không thể tách hộ, không thể giao dịch bất động sản phát triển sản xuất, hàng năm lãng phí khoảng 17 tỷ đồng từ nhà máy thủy điện trong lòng hồ do không thể tích nước phát điện…
ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng, những dự án như vậy không ít, chậm tiến độ, làm tăng tổng mức đầu tư, gây lãng phí khủng khiếp. Báo cáo giám sát đã chỉ ra tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các bộ ngành, địa phương năm 2021 là 1.962 dự án chậm tiến độ. Hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm đều chậm tiến độ. Hàng ngàn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, có dự án điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu. Hàng trăm dự án vi phạm thủ tục đầu tư… Nguyên nhân là do việc thực hiện các quy định về đầu tư công có nhiều tồn tại, yếu kém, do đó ĐB đề nghị phải chấn chỉnh ngay tình trạng này.
ĐB Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cũng cho biết, qua tiếp xúc cử tri, nhân dân cho rằng, lãng phí là vấn nạn quốc gia, còn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Công tác quản lý đất, nhà đất dôi dư do sáp nhập đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp hay do di chuyển về địa điểm mới thời gian vừa qua còn kém hiệu quả, nhiều cơ sở để hoang hóa, xuống cấp gây lãng phí, mất mỹ quan và vệ sinh môi trường. Cử tri nhiều lần có ý kiến đề nghị xử lý vấn đề này nhưng chưa có hiệu quả.
ĐB Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cùng quan điểm khi cho rằng, phải kiên quyết thu hồi các dự án đã giao đất mà không triển khai; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Cùng với đó, hoàn thiện các quy định về đấu thầu, rút kinh nghiệm từ vụ án Công ty Việt Á vừa qua để hạn chế thất thoát tài sản nhà nước; xử nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng Bác Hồ đã nói tham ô thì có hại, lãng phí còn tai hại hơn tham ô vì lãng phí là rất phổ biến. Kết quả giám sát khiến ai cũng xót xa vì sự lãng phí quá kinh khủng. ĐB đề nghị cần phải chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, cơ quan, cá nhân để xảy ra sự lãng phí đó, chỉ khi chỉ rõ trách nhiệm thì mới chấn chỉnh được tình trạng.
ĐB cho rằng, ví dụ quy hoạch hơn 600 điện gió không đưa vào sử dụng thì ai bị xử lý; những dự án giao thông chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư ai chịu trách nhiệm… Chúng ta yêu cầu người dân cung cấp tin báo tố giác tội phạm, vậy báo cáo giám sát của Quốc hội với ngồn ngộn thông tin này cũng phải được cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền để chỉ rõ trách nhiệm, xử lý người làm sai. Đề nghị phải chỉ rõ trách nhiệm, tiến độ giải quyết các tồn tại mà báo cáo đã chỉ ra.
ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) bức xúc cho rằng, lãng phí lớn không phải là vấn đề chúng ta bây giờ mới nhận diện, những dự án làm nghèo đất nước chúng ta đã chỉ ra, nhưng tại sao đến nay vẫn chưa khắc phục? Do đó, giám sát thì sau đó phải thực hiện các kiến nghị giám sát để chuyển biến tình hình, nếu không thì vẫn sẽ chỉ dừng ở đó. Đơn cử vấn đề lãng phí sử dụng đất trong các nông lâm trường từng đã được Quốc hội giám sát, kiến nghị, nhưng đến nay vẫn chưa chuyển biến, trong khi đó, nhiều nơi đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, cuộc sống khó khăn…