Dưới đây là một số ý kiến của các chuyên gia về chương trình này.
* TS VŨ THỊ PHƯƠNG ANH, Giám đốc Ban Đảm bảo chất lượng giáo dục (Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng):
Quan trọng là quá trình đào tạo, môi trường học tập
Nên hay không nên nâng điểm trúng tuyển vào các CTCLC? Đó là một vấn đề tranh luận sôi nổi giữa các trường đại học và cơ quan quản lý. Có một quan điểm khá phổ biến rằng, đã là CTCLC thì đầu vào phải cao hơn, hoặc ít nhất cũng phải ngang bằng với các chương trình đại trà.
Quan điểm này có phần hợp lý, vì khi nói đến CTCLC là người ta nghĩ đến đầu ra tốt hơn, chương trình nặng hơn, vì vậy người được tuyển vào cần phải có tố chất tốt hơn mới có thể hoàn tất chương trình một cách thành công. Đây cũng là quan điểm truyền thống về đào tạo và trên thực tế các trường đại học có thâm niên tồn tại từ trăm năm trở lên ở khu vực Âu, Mỹ hầu hết đều vận hành theo mô hình này.
Nhưng ngày nay, quan điểm về đào tạo đã thay đổi khá nhiều. Đầu vào tuy là một yếu tố quan trọng và đôi khi có tính quyết định nhưng không thể - và cũng không nên - là yếu tố duy nhất tác động đến chất lượng đầu ra.
Thực tế của Việt Nam đã chứng minh rất rõ là những học sinh tốt nghiệp lớp 12 chỉ ở mức từ trung bình khá trở lên, khi có điều kiện du học tự túc ở các nước tiên tiến thì lúc trở về, đa số đều có năng lực tốt hơn những em có điểm tuyển sinh đầu vào tương tự, nhưng học và tốt nghiệp ở trong nước. Đầu vào là như nhau, vậy sự khác biệt ở đây chỉ còn là quá trình đào tạo và môi trường học tập.
Một học sinh Việt Nam chọn học ngành kỹ thuật, có điểm đầu vào xuất sắc, được tuyển vào học chương trình tài năng ở một trường danh tiếng trong nước, nhưng nếu thiếu máy móc hiện đại để thực tập, thầy cô không có đủ ngoại ngữ hoặc sách vở để tiếp cận những kiến thức mới nhất của ngành, không có điều kiện để tham gia làm việc, trao đổi cọ xát với các doanh nghiệp hàng đầu trong từng ngành nghề, thì chắc chắn sinh viên tốt nghiệp không thể có được năng lực đầu ra mong muốn.
Theo nội dung cuộc tranh luận trong Hội nghị trực tuyến tuyển sinh 2020 chiều ngày 13-2, tôi thiên về việc đồng tình với ý kiến trao quyền tự chủ cho các trường trong việc xác định đầu vào, cũng như mức học phí cần thiết để có nguồn lực phục vụ việc đào tạo sinh viên tốt nghiệp theo đúng yêu cầu đầu ra của chương trình.
Tôi tin rằng, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, điểm cốt lõi khiến chương trình đào tạo của Việt Nam có chất lượng chưa cao, không phải là năng lực đầu vào chưa cao, mà là thiếu sự đầu tư cần thiết vào điều kiện giảng dạy - học tập và sự đãi ngộ tương xứng đối với giảng viên tạo ra một môi trường (nơi thầy và trò là những người bạn đồng hành trong quá trình học hỏi, nghiên cứu thông qua việc tự khám phá, tìm tòi, sáng tạo tương tự như ở các nước tiên tiến).
Đây là điều kiện căn bản mà tất cả giảng viên, sinh viên và nhà quản lý đều mong mỏi. Nhưng, không phải nơi nào cũng có được vì không đủ nguồn lực. Các chính sách tồn tại nhằm thúc đẩy việc tạo ra những điều kiện cần thiết để các trường phát triển, chứ không phải cản trở sự phát triển đó.
* PGS-TS NGUYỄN HỘI NGHĨA, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM:
Kiểm định ngay các chương trình chất lượng cao
ĐH Quốc gia TPHCM thực hiện đào tạo chương trình chất lượng cao (CTCLC) từ năm 2012 và đến năm 2014 thực hiện theo đúng Thông tư 23. Đến nay, ĐH Quốc gia TPHCM có 78 CTCLC tại 7 trường và khoa trực thuộc. Quy mô sinh viên CTCLC chiếm 17% so với tổng quy mô hiện nay của ĐH Quốc gia TPHCM.
Để thực hiện CTCLC, ĐH Quốc gia TPHCM ngoài việc tuân thủ theo Thông tư 23 còn có một quy chế riêng rất chi tiết và cụ thể hơn, đồng thời quy trình xét duyệt cũng chặt chẽ. Qua quá trình thực hiện, chúng tôi cho rằng, sinh viên CTCLC có thể chưa giỏi bằng hệ khác, nhưng phải đảm bảo giá trị gia tăng sau 4 năm học để chuẩn đầu ra tốt hơn đại trà.
Như vậy, vấn đề ở đây chính là cả thầy trò, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, quản lý, nghiên cứu khoa học phải có “chất lượng” thì sản phẩm ắt sẽ có chất lượng như mong muốn. Thế nhưng hiện nay, Bộ GD-ĐT lại buông lỏng quản lý và giám sát khi các đơn vị thực hiện CTCLC bị lệch lạc. Do đó, ngoài việc phải thẩm định chặt chẽ các điều kiện thì giám sát phải được thường xuyên. Đặc biệt, theo tôi, tốt nhất là các CTCLC phải kiểm định. Điều 12 của Thông tư 23 cũng nói đến kiểm định nhưng tốt nghiệp 2 khóa mới kiểm định là hơi muộn.
* Th.S HỨA MINH TUẤN, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM:
Buộc dừng tuyển sinh nếu kiểm định không đạt
Theo tôi, trong bối cảnh và cơ chế hiện nay (học phí, chi phí đào tạo), các trường dần chuẩn hóa theo chuẩn quốc tế thì khó có thể chuẩn hóa nhanh và hoàn toàn được. Thực hiện CTCLC cơ quan quản lý cũng mong muốn đạt mục tiêu này.
Tuy nhiên, khi thực hiện ngoài những cái khó thì một số cơ sở đào tạo lại làm méo mó nên chương trình không thể đạt mục tiêu và dĩ nhiên xã hội chưa tin lắm. Do đó, nếu thực hiện theo đúng các quy định về cơ sở vật chất, đội ngũ, quan hệ doanh nghiệp… thì CTCLC ít nhất cũng đạt rồi.
Trong quá trình thực hiện CTCLC từ 2012 đến nay, chúng tôi thấy rằng, có 2 chuẩn phải cố gắng đạt được đó là: giảng viên, nghiên cứu khoa học. Thực tế, tuyển giảng viên trình độ quốc tế không hề đơn giản, nhưng một số trường cũng cố gắng. Nghiên cứu khoa học là tiêu chí có thể nói là hơi lý tưởng.
Bởi lẽ, ngay cả nhiều giảng viên còn không có bài báo quốc tế thì làm sao sinh viên có được, mà khối ngành kinh tế, xã hội lại càng khó hơn. Do đó, những trường đào tạo CTCLC nhiều năm rồi mà không kiểm định hoặc kiểm định mà không đạt, bắt buộc phải có chế tài, không có gì bằng việc cho dừng tuyển sinh. Phải công khai, minh bạch chất lượng thật sự của CTCLC.