Tiếp tục chương trình kỳ họp Quốc hội, chiều 24-5, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Đặc biệt, để tạo đột phá và phát huy hết tiềm năng, lợi thế của Khu Kinh tế Vân Phong, dự thảo quy định các cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển quy định tại Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết nêu rõ, việc ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa là cần thiết. Phát triển tỉnh Khánh Hòa có vai trò quan trọng trong giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; tác động lan tỏa vùng miền.
Về các chính sách tương đồng với các địa phương khác đã được Quốc hội cho phép thực hiện, Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với các chính sách về quản lý tài chính, ngân sách, quy hoạch; đất đai tương tự như các địa phương khác vừa được Quốc hội cho phép thực hiện.
Về một số chính sách mới, đáng chú ý, về phát triển Khu Kinh tế Vân Phong, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, chủ trương thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Khu kinh tế Vân Phong là phù hợp với tinh thần Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, việc lựa chọn nhà đầu tư cần bảo đảm tuân thủ các điều kiện chặt chẽ vì Khu Kinh tế Vân Phong cũng như tỉnh Khánh Hòa có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Có ý kiến đề nghị chưa quy định chính sách ưu đãi đầu tư cho xây dựng trung tâm thương mại, khu đô thị, khu du lịch, sân golf trong Khu Kinh tế Vân Phong vì đây không thuộc lĩnh vực ưu tiên đầu tư.
Về phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thuộc phạm vi khu vực biển do tỉnh Khánh Hòa quản lý, Ủy ban TCNS nhất trí chủ trương có chính sách phát triển kinh tế biển, trong đó có phát triển nuôi trồng thủy sản ngoài khơi nhằm phát huy lợi thế đặc thù và đây cũng là định hướng được nêu trong Nghị quyết số 09, góp phần quan trọng vào việc giữ vững chủ quyền biển đảo. Đi đôi với khuyến khích, cần có chính sách kiểm soát chặt chẽ trong thực hiện.
Về thẩm quyền giao khu vực biển và cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển, đa số ý kiến cho rằng, đi đôi với giao quyền hạn, đề nghị quy định cụ thể về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong tổ chức thực hiện, tránh lợi dụng.
Bên cạnh đó, cần quy định chặt chẽ việc thu hồi ưu đãi, giấy phép, chấm dứt hoạt động trong các trường hợp được giao khu vực biển để nuôi trồng thủy hải sản nhưng không sử dụng đúng mục đích, không tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan; quy định nghiêm cấm việc chuyển nhượng hoặc cho người nước ngoài thuê lại, sử dụng khu vực biển được giao, được cấp phép.
Thảo luận về nội dung này, đa số ý kiến các ĐB ủng hộ có nghị quyết nhưng lưu ý vấn đề bảo đảm chủ quyền biển đảo, bảo đảm quốc phòng an ninh khi thực hiện giao khu vực biển và cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển, vì Khánh Hòa là địa phương có quần đảo Trường Sa, khu căn cứ quân sự Cam Ranh.
Cần có những quy định mang tính hàng rào kỹ thuật khi thực hiện chính sách này. Khi thực hiện cơ chế, chính sách phát triển Khu Kinh tế Vân Phong cần bảo đảm quy định chặt chẽ trong thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) ủng hộ có cơ chế đặc thù cho Khánh Hòa vì bản thân Khánh Hòa đã là một tỉnh đặc thù, nhưng yêu cầu phải tương xứng với vị trí đặc thù của Khánh Hòa. Nhưng bắt buộc phải bảo đảm an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo.
ĐB Trương Trọng Nghĩa băn khoăn về phát triển Khu Kinh tế Vân Phong. Cần quy định rõ tiêu chuẩn về nhà đầu tư chiến lược, cả về vốn đầu tư, thời gian đầu tư.
ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo thống kê những điểm khác của các cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư chiến lược phát triển Khu Kinh tế Vân Phong khác gì so với quy định hiện hành.
Việc UBND tỉnh được chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; bến cảng, khu bến cảng, cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I của nhà đầu tư chiến lược ở Khu Kinh tế Vân Phong có tác động thế nào đối với an ninh quốc phòng, điều này cũng cần được làm rõ, gây nhiều băn khoăn.
ĐB Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, dự thảo nghị quyết phải khẳng định nhà đầu tư nước ngoài không được đồng sở hữu bến cảng, sân bay.
Tựu trung, các ý kiến đều ủng hộ có nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa nhưng yêu cầu phải bảo đảm vấn đề an ninh quốc phòng, phải có hàng rào kỹ thuật với các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài không được đồng sở hữu bến cảng, sân bay và ở một số vị trí khác.