Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết đã lấy ý kiến các bộ, ngành, hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế (Nghị định sửa đổi) với 18 nội dung sửa đổi, trong đó nổi bật là đề xuất tiếp tục gia hạn giấy phép trang thiết bị y tế đã hết hiệu lực nhằm thông quan ngay các lô hàng trang thiết bị y tế nhập khẩu. Sửa đổi Thông tư 14/2020/TT-BYT quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế công lập để giải quyết các vướng mắc liên quan đến cách xác định giá gói thầu, phân nhóm trang thiết bị y tế, trong đó sẽ bỏ quy định yêu cầu giá gói thầu năm sau phải thấp hơn năm trước. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang lấy ý kiến về các nội dung sửa đổi Thông tư 15/2019/TT-BYT về đấu thầu thuốc trong bệnh viện công lập. Với những sửa đổi này tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế sẽ được cải thiện.
Trước phản ánh của các bệnh viện về khó khăn trong thực hiện đấu thầu một số hóa chất, vật tư tiêu hao chỉ có 1 nhà cung cấp do theo quy định phải có báo giá của 3 nhà cung cấp để làm căn cứ xác định giá đấu thầu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu lãnh đạo, đại diện các Bộ Tài chính, KH-ĐT trao đổi, đề xuất phương án tháo gỡ, cho phép đấu thầu những loại hóa chất, vật tư tiêu hao, trang thiết bị y tế chỉ có 1 nhà cung cấp.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu, đưa vào Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 144/NQ-CP về thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách được đề xuất trong dự thảo Luật Dược (sửa đổi); thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với máy móc, trang thiết bị xã hội hóa trong bệnh viện công lập; phương thức lập gói thầu mua sắm hóa chất xét nghiệm, sinh phẩm, vật tư y tế kèm theo cung cấp máy móc thực hiện xét nghiệm… Các bộ Y tế, Tài chính, KH-ĐT phải khẩn trương sửa đổi các thông tư, nghị định thuộc lĩnh vực quản lý để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc của các bệnh viện. Theo Phó Thủ tướng, đây là vấn đề nóng bỏng, bức xúc của cuộc sống, liên quan trực tiếp đến từng người dân, các bộ, ngành phải làm hết sức quyết liệt.
Cũng trong ngày 25-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện số 72/CĐ-TTg về việc tiếp tục các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh (KBCB). Thủ tướng chỉ thị các cơ sở KBCB tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, linh hoạt trong việc lập kế hoạch mua sắm, đấu thầu và tổ chức các giải pháp để có đủ thuốc, trang thiết bị y tế cho hoạt động KBCB; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền về các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu, cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế. Phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, dám nghĩ, dám làm trong tổ chức mua sắm, đấu thầu bảo đảm công khai, minh bạch, khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.
Bộ Y tế khẩn trương ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc pháp lý trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, trong đó tập trung hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 5-11-2022 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí KBCB bảo hiểm y tế. Rà soát cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà gây phiền hà, khó khăn cho việc thực hiện thủ tục mua sắm thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm phục vụ khám chữa bệnh; đẩy nhanh tiến độ cấp phép lưu hành đối với thuốc, trang thiết bị y tế; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế thực hiện theo pháp luật.
Bộ Y tế phối hợp với Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính kịp thời hướng dẫn các đơn vị, các cơ sở y tế, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế ở một số cơ sở KBCB trong quý 1-2023, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh, kéo dài không dám chịu trách nhiệm.