Thờ ơ khi trẻ bị bạo hành
Nhiều năm nay, cứ đến giờ ăn, hàng xóm lại nghe tiếng chị T.T.T.N. (quận 4) la mắng ầm ĩ 2 con. Nhiều người ở xóm đi qua, thấy chị N. tay cầm cây roi tre, luôn miệng chì chiết khi con cái nhai cơm quá chậm. Riết rồi thành quen, cứ đến giờ ăn, trẻ lại nước mắt ngắn dài ngồi xúc từng muỗng cơm cho vô miệng. Hàng xóm thì xem đấy là chuyện gia đình dạy con, cho nên dù có khó chịu bởi tiếng la mắng con cái nhưng không ai góp ý. “Mỗi nhà có cách dạy con riêng, mình xen vào không khéo lại bị hiểu lầm là “nhiều chuyện”. Với lại, việc la mắng con là chuyện thường của mỗi nhà. Khi nào xảy ra chuyện gì to tát thì tôi sẽ báo lên khu phố”, bà N.T.B., hàng xóm của chị N., phân trần.
Chị Phạm Thanh Bình (TP Thủ Đức) nhìn nhận, ở thành phố, nhất là sống ở chung cư, dù chung lối đi về, chỉ cách nhau một bức tường nhưng lại thiếu tình xóm giềng. Rồi nhiều căn hộ chung cư cho thuê nhà, vài bữa ở vài bữa chuyển đi. Ít giao lưu nên nhà này không hiểu hoàn cảnh của nhà kia, lại thêm tâm lý “chuyện nhà người ta”, vì vậy ít ai lên tiếng bênh vực khi những đứa trẻ bị bạo hành ngay chính trong ngôi nhà của mình.
Chỉ sau những câu chuyện đau lòng từ vụ bé gái 8 tuổi V.A. (quận Bình Thạnh) bị bạo hành dẫn đến tử vong, nhiều người mới giật mình nhìn lại trách nhiệm của bản thân. Nhiều người nhìn nhận, sống ở chung cư, chuyện nhà này có trẻ khóc, nhà kia cha mẹ đánh mắng con không phải không có nhưng thực tế không mấy người để ý.
Ở cấp độ địa phương, bà Huỳnh Nguyệt Ánh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận 7, cho biết, đến nay quận đã thành lập được 17 chi, tổ hội tại các chung cư, đồng thời tạo sự kết nối với ban quản trị các chung cư để kịp thời nắm bắt tình hình phụ nữ, trẻ em và tuyên truyền chủ trương, chính sách, kiến thức liên quan.
“Tuy nhiên, vì sống biệt lập với hàng xóm và bên ngoài, nên đôi khi trẻ bị bạo hành, xâm hại nhưng hàng xóm và các tổ chức đoàn thể không hay biết, không có cơ hội tiếp cận để hỗ trợ”, bà Huỳnh Nguyệt Ánh nhìn nhận.
Chú trọng các biện pháp phòng ngừa
Theo thống kê của Công an TPHCM, từ năm 2012 đến năm 2020, tại thành phố có 790 vụ án xâm hại tình dục, bạo lực, bắt cóc trẻ em... Điểm đáng lưu ý, không riêng người trình độ dân trí thấp mà cả những người có trình độ dân trí cao, có địa vị xã hội cũng thực hiện hành vi bạo lực, xâm hại trẻ. Gần đây, địa điểm nơi xảy ra các vụ việc không chỉ ở khu vực ngoại thành, nhà trọ, mà còn diễn ra ở các chung cư, trường học...
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, phân tích, các quy định pháp luật có đủ chế tài để bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến những sự việc bạo hành, xâm hại trẻ em rất đau lòng như vụ bé gái 8 tuổi V.A. vẫn tồn tại. Đó là, ngoài sự thờ ơ của xã hội thì các cơ quan chức năng chưa thật sự làm hết trách nhiệm. Đặc biệt, hình thức, biện pháp xử lý những người bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em chưa thật sự răn đe.
“Chế tài không đảm bảo nghiêm minh, người ta không sợ thì sẽ rất khó để giáo dục, nhất là giáo dục thế hệ trẻ thượng tôn pháp luật”, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ nhận xét.
Về giải pháp phòng ngừa, bà Trần Thị Huyền Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM, chia sẻ, để giảm các sự việc trẻ bị bạo hành, xâm hại, Hội LHPN phát huy tối đa vai trò giám sát của mình thông qua hội viên, các chi tổ hội, các tổ tư vấn cộng đồng ngay tại cơ sở. Tuy nhiên, bà Huyền Thanh nhìn nhận, vẫn còn những góc khuất trong tiếp cận, bảo vệ trẻ, nhất là tại các chung cư, khu dân cư biệt lập. Trên thực tế, “tai mắt” hội viên không phủ kín được, do đó rất cần sự lên tiếng của cộng đồng, xóm giềng.
Theo Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TPHCM, sự việc bé gái 8 tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong đã gióng lên hồi chuông cảnh báo các vụ việc tương tự. Do đó, đòi hỏi đẩy mạnh các giải pháp phòng ngừa về mặt xã hội, như giám sát, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.
Thời gian tới, Công an TPHCM tiếp tục tăng cường nắm tình hình, có kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các tội phạm bạo lực, xâm hại trẻ em; tổ chức điều tra cơ bản, đánh giá, xác định diện trẻ em thường bị bạo lực, xâm hại. Công an TPHCM cũng tiếp tục chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát Điều tra cấp thành phố và các địa phương nâng cao hiệu quả điều tra, xử lý các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em; đồng thời, khẩn trương xác minh, điều tra các tin báo, tin tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em để bảo vệ trẻ em hiệu quả.
Toàn thành phố có gần 2 triệu trẻ em, trong đó có khoảng 28.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại tình dục cần được bảo vệ. Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở ngành, đoàn thể tăng cường công tác giám sát, phòng ngừa trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tại cộng đồng và các cơ sở bảo trợ xã hội. Khi phát hiện trẻ bị bạo lực, xâm hại, người dân phản ánh qua các kênh tiếp nhận tin báo như: Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (111), Lực lượng phản ứng nhanh của Công an TPHCM (113), Hội Bảo vệ quyền trẻ em (18009069), Trung tâm Công tác xã hội Trẻ em TPHCM (1900545559). |