Phải gỡ bỏ những cản trở, giáo dục đại học Việt Nam mới tăng tốc

Tuần qua, hội thảo “Giáo dục đại học - Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế” đã được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức với sự tham gia của hơn 200 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, các nhà tuyển dụng, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, các trường đại học…

 

Bức tranh tổng thể của giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam đã hiện lên khá đầy đủ và tựu trung một điều: ĐH Việt Nam không thể không tự chủ triệt để. Vì đó là con đường duy nhất để chuẩn hóa và hội nhập quốc tế, đáp ứng sứ mệnh ĐH là nơi sáng tạo ra tri thức. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc (ảnh) đã trao đổi với phóng viên Báo SGGP về một số vấn đề liên quan.

Phải gỡ bỏ những cản trở, giáo dục đại học Việt Nam mới tăng tốc ảnh 1
 ° Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, nếu khái quát về GDĐH Việt Nam thì Thứ trưởng có thể nói thế nào?
 
° Thứ trưởng NGUYỄN VĂN PHÚC: GDĐH Việt Nam đã phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng. Hiện nay, cả nước có 236 trường ĐH, học viện và 41 viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ. Số sinh viên học trong các trường ĐH là 1.439.495 em, chiếm 84%; số sinh viên ngoài công lập là 267.530, chiếm 16%. Số lượng giảng viên ĐH tăng nhanh trong thời gian vừa qua, trong đó có số giảng viên đạt trình độ tiến sĩ. Số lượng ngành trình độ đào tạo ĐH cũng tăng, từ 2.118 năm 2007 lên 3.394 năm 2017. Số lượng chương trình đào tạo ĐH cũng tăng mạnh. Văn hóa chất lượng bước đầu hình thành ở các cơ sở GDĐH. Công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng được đẩy mạnh nhằm nâng cao chất lượng. Nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế đã được chú trọng, xếp hạng quốc tế được cải thiện. Đổi mới, đẩy mạnh tự chủ ĐH bước đầu thu được kết quả tích cực. Việt Nam đã có 2 ĐH nằm trong tốp 1.000 của thế giới; 5 cơ sở GDĐH nằm trong tốp 350 châu Á (theo xếp hạng QS)… 

Tuy nhiên, những thách thức cũng được đặt ra với GDĐH Việt Nam liên quan đến việc thực hiện tự chủ ĐH. Thách thức về chất lượng đào tạo để đáp ứng sự đòi hỏi cao hơn và sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế, cách mạng công nghiệp 4.0. Nghiên cứu khoa học ở các cơ sở GDĐH còn chưa được quan tâm đúng mức và kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Công bố quốc tế còn thấp so với các nước phát triển trong khu vực Đông Nam Á. Năng lực quản trị, quản lý của các cơ sở GDĐH chưa theo kịp yêu cầu của phát triển GDĐH và hội nhập quốc tế.

Chúng ta cần phải tiếp tục đổi mới để phát triển ĐH trong thời gian tới, trong đó có việc thể chế hóa (sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH và các quy định liên quan) để đổi mới căn bản và toàn diện lĩnh vực này. Cùng với đó là nâng cao năng lực hệ thống GDĐH; đổi mới cơ chế tài chính ĐH; đổi mới quản lý nhà nước... GDĐH còn nhiều tiềm năng nhưng quản lý nhà nước phải đổi mới kịp thời để đáp ứng nhu cầu phát triển này. Tôi tin khi thay đổi cơ chế chính sách kịp thời, tạo động lực đúng đắn sẽ tạo bước đột phá trong phát triển GDĐH.

° Có nghĩa là cơ chế chính sách hiện nay chưa tạo điều kiện cho GDĐH phát triển?

° Cơ chế chính sách liên quan đến Luật GDĐH còn nhiều bất cập, chưa theo kịp thực tiễn, đòi hỏi phải đổi mới để thích ứng kịp với sự phát triển. Chính điều này gây nên sự cản trở cho phát triển GDĐH hiện nay, từ cơ chế chính sách, điều kiện nguồn lực không đủ, sự thay đổi nhanh chóng của môi trường quốc tế, môi trường bên ngoài về khoa học kỹ thuật, nền kinh tế. Tất cả những điều đó đòi hỏi chúng ta phải có những chính sách thay đổi kịp thời để giải quyết những vấn đề bất cập này.

° Một trong những nút thắt để giải quyết các vấn đề của GDĐH Việt Nam là phải bảo đảm quyền tự chủ ĐH. Vậy Bộ GD-ĐT kiến nghị thế nào đối với việc giao quyền tự chủ hoàn toàn cho các trường trong bối cảnh hiện nay khi công tác tự chủ vẫn còn bị ràng buộc bởi rất nhiều yếu tố khác nhau?

° Tự chủ ĐH bao gồm 3 phương diện chính: về chuyên môn học thuật, về tổ chức nhân sự và tài chính, tài sản. Qua thí điểm giao tự chủ cho các trường thời gian qua đã có những kết quả rất tích cực. Việc tự chủ ĐH trên thế giới đã có quá trình rất dài, chúng ta đang tiếp thu tốt nhất những kinh nghiệm của thế giới trong quá trình tự chủ vừa qua. Thực tiễn đó cũng đang được nghiên cứu để đưa vào sửa Luật GDĐH lần này để hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan, thúc đẩy quyền tự chủ thực sự cho ĐH. Đi liền với quyền tự chủ đó là tăng tính trách nhiệm giải trình của các trường đối với xã hội. Khi trách nhiệm giải trình chưa thực sự minh bạch thì tự chủ không thực hiện được. Mục đích của tự chủ là nâng cao chất lượng GDĐH, làm cho hệ thống GDĐH Việt Nam trở lên năng động, phát triển hiệu quả hơn, hội nhập quốc tế thành công. Luật lần này chúng ta sửa là theo tinh thần đổi mới tự chủ ĐH.

° Bộ GD-ĐT đề xuất gì với Chính phủ, Quốc hội trong việc giải quyết những vướng mắc về giao quyền tự chủ ĐH một cách triệt để?

° Hiện nay, tự chủ ĐH không chỉ quy định trong Luật GDĐH hay Luật Giáo dục mà còn quy định ở các văn bản luật khác, do đó đòi hỏi phải sửa cả những luật có liên quan, ví dụ như Luật Đầu tư công, Luật về ngân sách nhà nước, Luật về công chức viên chức. Sửa như vậy thì sẽ tạo được sự đồng bộ để giúp cho GDĐH phát triển hiệu quả.

Quản lý nhà nước phải thay đổi, xu hướng bỏ chế độ chủ quản với trường ĐH là tất yếu. Muốn bỏ chế độ chủ quản, Hội đồng trường phải mạnh, đặc biệt là trường công lập. Hội đồng trường phải là thiết chế quyết định những vấn đề chiến lược, quy hoạch, nhiệm vụ lớn của nhà trường, trong đó có vấn đề về học thuật, mở ngành, quy mô, tài chính và giám sát. Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo rất mạnh ở điểm này, thành viên hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường phải xứng đáng theo yêu cầu, không phải là cơ cấu... 

Với Chiến lược tổng thể phát triển GDĐH Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2035, trong giai đoạn 2020 - 2030, GDĐH Việt Nam sẽ dần đi vào nền nếp theo cách tiếp cận hệ thống và hội nhập.

° Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Tin cùng chuyên mục