Thế nhưng, chuyện giữa các cơ quan nhà nước với nhau cũng có tình trạng chậm trả lời, trả lời vòng vo là điều rất đáng suy ngẫm; dù cả hai trường hợp trên đều thể hiện sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm trước những vấn đề bức xúc của dân.
Trước đây, đã nhiều lần lãnh đạo TPHCM phải lên tiếng trước tình trạng này và chỉ đạo quyết liệt “15 ngày không trả lời coi như đồng ý và phải chịu trách nhiệm về nội dung được hỏi”. Quy định rất hay, nhưng thực tế ai cũng hiểu là rất khó thực hiện. Chẳng hạn, những vấn đề rất hệ trọng, nếu không có ý kiến chuyên môn sâu trả lời bằng văn bản thì không ai dám thực hiện. Hoặc văn bản trả lời chung chung, né trách nhiệm thì cũng không thể thực hiện được. Ngoài ra, giữa các cơ quan cũng xây dựng nhiều bộ quy chế phối hợp để cùng giải quyết công việc, nhưng hiệu quả không phải lúc nào cũng đạt yêu cầu.
Cho tới buổi làm việc tại TPHCM gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã khuyến khích việc - mà nói theo cách mộc mạc là - “nói xấu lẫn nhau”, tức là các bộ ngành và TPHCM nói thẳng ra những điều còn khúc mắc với nhau trong quá trình làm việc, để từ đó tập trung tháo gỡ. Từ gợi mở của Thủ tướng đã đưa đến một số buổi làm việc ở TPHCM có được không khí thẳng thắn phê bình, mạnh dạn nói ra những điều “ấm ức” trong lòng bấy lâu. Nói như Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, thì đó là tín hiệu tích cực. Nó tích cực hơn việc bằng mặt nhưng không bằng lòng, rồi công việc của dân cứ bị đùn đẩy, ách tắc.
Ngoài sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm thì bản chất của việc phối hợp thiếu nhịp nhàng giữa các cơ quan nhà nước đã chứng tỏ kỷ cương hành chính bị xem nhẹ. Quy định, quy tắc ứng xử, quy chế phối hợp đã có đầy đủ, nhưng việc phối hợp vẫn mang đến hiệu quả không cao. Vấn đề ở đây là cần một chế tài thực sự đủ mạnh để buộc cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện nghiêm các quy định. Động thái khuyến khích từ những lãnh đạo cấp cao cũng chính là tín hiệu đáng mừng, để thời gian tới, sự phối hợp này trở nên thông suốt, nhịp nhàng hơn. Từ đó tạo ra hiệu quả công việc nhiều hơn cho người dân, doanh nghiệp.