Phải giải gấp bài toán giao thông

Ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường là những bức xúc hàng đầu của người dân TPHCM. Nó ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng sống tốt! Hàng ngày, cứ đi ra đường là “điên cả đầu”, mất rất nhiều thời gian di chuyển từ nơi này đến nơi kia. Không thể có chất lượng sống tốt khi đi lại khó khăn như thế.

Ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường là những bức xúc hàng đầu của người dân TPHCM. Nó ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng sống tốt! Hàng ngày, cứ đi ra đường là “điên cả đầu”, mất rất nhiều thời gian di chuyển từ nơi này đến nơi kia. Không thể có chất lượng sống tốt khi đi lại khó khăn như thế.

Vấn đề ùn tắc giao thông đặt ra đã lâu, tập trung vào những vấn đề chính: đường ít, đường hẹp trong khi chung cư, trường học, bệnh viện tập trung quá nhiều vào nội đô; quá nhiều ô tô, xe máy…

Có thể thấy, đặc điểm đường ít và hẹp ở TPHCM khó cải thiện được nhiều, vì nhà cửa chen chúc sát vỉa hè, không thể có đủ tiền để đền bù, giải tỏa. Chỉ có thể cải tạo một số địa điểm thật cần thiết. Vì vậy, cần cố gắng tối đa làm cầu vượt hoặc hầm chui ở các giao lộ. Chỉ cần làm cầu vượt bằng thép, vốn ít, thi công nhanh. Chỗ rộng thì làm cầu để tất cả các phương tiện lưu thông, chỗ hẹp thì làm cho ô tô con và xe máy, cũng đỡ ùn tắc giao thông nhiều.

Cùng với đó, cần hạn chế và dần đi đến cấm hẳn xe máy (xe 2, 3 bánh có gắn máy, kể cả xe 3 bánh thô sơ). Xe máy là phương tiện chủ yếu gây ùn tắc giao thông. Một thành phố 8 triệu dân mà có 7,43 triệu xe máy (số liệu đến tháng 1-2016) thì quá khủng khiếp. Con số không dừng ở đó, nếu không có biện pháp hạn chế. Tuy nhiên, ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, xe máy là phương tiện lưu thông chính của hàng chục triệu người. Vì vậy, việc cấm phải rất thận trọng và có lộ trình: Hà Nội làm từ năm 2020 đến 2025, TPHCM cũng cần có lộ trình. Có thể hạn chế đăng ký mới; khuyến khích bán xe ra các tỉnh (có thể hỗ trợ 1 - 2 triệu đồng/xe); thu hồi xe không đủ điều kiện lưu thông, không có giấy tờ hợp lệ, vi phạm giao thông nghiêm trọng; bước đầu hạn chế lưu thông ở một số tuyến đường và mở rộng dần ra toàn nội đô...

Tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, TP cần tăng cường xe buýt cả số lượng, chất lượng, thái độ phục vụ và thời gian. Cố gắng mọi tuyến đường (nội đô) đều có xe buýt và xe buýt nối giữa các tuyến đường. Bảo đảm người đi xe buýt chỉ đi bộ dưới 1km từ nhà ra đến trạm và từ trạm đến nơi làm việc. Loại bỏ xe buýt quá lớn (50 chỗ ngồi trở lên) lưu thông trong nội đô vì quá cồng kềnh, chiếm diện tích mặt đường lớn, gây kẹt xe. Thay bằng xe nhỏ hơn và làm xe 2 tầng như Hồng Công. Cùng với xe buýt, TP cần khẩn trương triển khai 5 tuyến metro theo kế hoạch. Để khuyến khích dân đi metro, cần có xe buýt tiếp chuyển từ ga metro đến trạm xe buýt gần nhất, nếu để đi bộ quá xa thì dân sẽ chán với metro mà quay về xe máy. TP cũng nên khuyến khích các xí nghiệp, cơ sở dịch vụ công cộng, nhà trường tổ chức xe đưa rước cán bộ, công nhân, học sinh, sinh viên (có trợ giá và không thu thuế); vận động nhân dân triệt để tuân thủ luật lệ giao thông, không chiếm dụng lòng lề đường, để dành cho người đi bộ.

Có người nói cấm hoặc hạn chế xe cá nhân là vi phạm hiến pháp. Hiến pháp bảo đảm quyền lợi cho mọi công dân. Trong một số trường hợp, phải hạn chế đối với cá nhân, để bảo đảm cho cộng đồng. Ví dụ phải cấm được việc hút thuốc lá nơi công cộng hay uống rượu bia khi tham gia giao thông… Việc này, TPHCM cần báo cáo Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành một pháp lệnh đặc biệt đối với TP.

Không hạn chế ô tô và cấm xe máy trong nội đô các thành phố lớn thì không có cách gì để giảm ùn tắc giao thông.

NGUYỄN VĂN THÁI
(Cựu chiến binh, 89 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục