Giá tăng từng ngày
Ghi nhận tại các cửa hàng vật liệu xây dựng (VLXD) bán lẻ sắt thép ở TPHCM trong trưa 11-5 cho thấy, giá thép đã lập đỉnh mới, vượt trên 19.000 đồng/kg và có dấu hiệu khan hiếm cục bộ loại thép cuộn, riêng thép cây, nguồn cung vẫn dồi dào. So với thời điểm này năm 2019 và 2020, giá chỉ khoảng từ 12.000-13.000 đồng/kg thì giá thép hiện đã tăng khoảng 50%.
“Có ngày đại lý thép báo giá tăng 2 lần. Do giá thép tăng từng giờ như vậy nên chỉ khi nào khách mua đồng ý chốt giá, chúng tôi mới nhập hàng về và giao trực tiếp đến công trường. Để được giá tốt thì phải thanh toán tiền mặt, còn nợ theo tuần như trước đây thì giá hơi cao hơn một chút”, anh Nguyễn Vũ Khánh, chủ Cửa hàng VLXD Bình Phát (địa chỉ số 310 HL 80B, phường Hiệp Thành, quận 12, TPHCM) chia sẻ.
“Hiện nay thép Hòa Phát tăng cao nhất. Các nhà thầu xây dựng than khó với chúng tôi, nhưng giá tăng là do nhà máy, đại lý nên chúng tôi phải tăng theo chứ không phải vì tăng lợi nhuận”, đại diện cửa hàng VLXD S.T trên đường Phan Huy Ích, phường 14, quận Gò Vấp, TPHCM, cho biết.
Tại thị trường Hà Nội, giá VLXD đều đang ở mức cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, giá sắt thép có mức tăng cao nhất, tới hơn 45%. Ở các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ, giá thép và nhiều VLXD khác cũng không nằm ngoài vòng xoáy tăng giá.
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, một chủ cửa hàng kinh doanh VLXD ở huyện Long Thành, Đồng Nai, bắt đầu từ trước Tết Nguyên đán cho đến nay, giá các loại VLXD trên địa bàn như sắt thép, xi măng, cát đá... đã tăng đến mức chóng mặt, đặc biệt giá thép tăng bình quân từ 40%-60%; như sắt tấm trước đây khoảng 14.000 đồng/kg nhưng hiện giá khoảng 26.000 đồng/kg. Trong khi đó, các mặt hàng như cát đá, xi măng, gạch... cũng tăng giá bình quân từ 20%-30%.
Nguy cơ tăng giá bất động sản
Trước thực tế này, 40 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã đồng loạt ký đơn “cầu cứu” UBND tỉnh Cà Mau và các sở ngành liên quan, kiến nghị điều chỉnh giá VLXD và đơn giá nhân công cho sát với giá thực tế hiện nay.
Ông Trịnh Duy Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Đức, tỉnh Cà Mau, cho biết: “Có những nhà thầu dự toán giá thép chỉ hơn 11.000 đồng/kg, nhưng khi trúng thầu, giá thị trường đã lên đến 19.000 đồng/kg và xu thế còn tiếp tục tăng. Nếu tình hình này tiếp diễn thì nhà thầu sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Dũng nói.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng, các loại VLXD, đặc biệt là thép tăng giá đã ảnh hưởng lớn đến giá thành xây dựng, bởi trong một công trình, thép chiếm tới 20% tỷ trọng VLXD.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, nếu VLXD còn tăng giá, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm xây dựng. Cụ thể, làm tăng giá bất động sản, nhất là nhà chung cư, khiến cho nhà ở giá rẻ sẽ càng hiếm trên thị trường.
Giá VLXD tăng dẫn đến chỉ số giá xây dựng công trình tăng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các công trình đang xây dựng mà còn gây khó khăn cho hàng loạt dự án đang chuẩn bị đấu thầu. Hiện nhiều gói thầu chưa giao khoán được vì đang đợi chốt giá thép, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Các doanh nghiệp xây dựng đang rất mong Chính phủ có giải pháp điều tiết giá hoặc hướng dẫn cụ thể việc bù giá thép trong từng thời gian trượt giá.
Lệ thuộc vào thị trường thế giới?
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), nguyên nhân tăng giá là do ngành thép Việt Nam đang phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, bao gồm quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc…
Dự kiến, trong năm 2021, Việt Nam tiếp tục phải nhập khẩu 18 triệu tấn quặng sắt, khoảng 6-6,5 triệu tấn thép phế liệu, khoảng 6,5 triệu tấn than mỡ luyện cốc. Giá các nguyên liệu này vẫn duy trì ở mức cao, nên chắc chắn ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, cho biết cụ thể thêm, hiện Trung Quốc đang cắt giảm sản lượng thép thành phẩm lẫn phôi thép, thép cán nóng để bảo vệ môi trường, nên ảnh hưởng đến cung - cầu. Bên cạnh đó, giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu do tác động của dịch Covid-19, thời gian giao hàng kéo dài.
Hiệp hội Thép Việt Nam cũng dự báo, tình hình dịch bệnh tiếp diễn, chưa kiểm soát triệt để trên thế giới sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng tới nguồn cung và giá thép ở thị trường trong nước. Trong tháng 5, nhu cầu tiêu thụ thép vẫn ở mức cao. Giá bán có thể tăng thêm để bù đắp giá nguyên liệu đầu vào tăng.
Bên cạnh đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đánh giá, kinh tế thế giới sẽ phục hồi trở lại trong năm 2021 với mức tăng trưởng 4,2%. Đối với ngành thép, theo dự báo của Hiệp hội Thép thế giới, sản xuất và tiêu thụ thép thô của thế giới sẽ phục hồi và tăng trưởng 4,2%-4,5%. Thế nhưng, nhu cầu tại các thị trường mới nổi, ngoại trừ Trung Quốc, dự kiến sẽ tăng 9,4%, cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá thép tăng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước; nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm. |