Sáng 9-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Việc làm (sửa đổi) và Luật Nhà giáo.
Tỷ lệ thất nghiệp thấp cũng đáng suy nghĩ
Tại tổ TPHCM, góp ý về Luật Việc làm (sửa đổi), ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đánh giá luật sửa đổi lần này sẽ góp phần hỗ trợ công tác giải quyết việc làm cho người lao động.
ĐB Trần Hoàng Ngân phân tích, lực lượng lao động ở nước ta khá đông, từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người (trong đó có việc làm là 51,4 triệu người). Dù tỷ lệ thất nghiệp (2%) thấp nhưng vẫn là con số đáng suy nghĩ.
ĐB Trần Hoàng Ngân đặt vấn đề, đây có phải là con số thất nghiệp thực tế hay do công tác thống kê chưa chính xác. Đồng thời, ĐB cũng cho rằng, khi tính tỷ lệ thất nghiệp thấp dẫn đến năng suất lao động bình quân của thấp.
Do vậy, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị cần thống kê và tính cho chính xác hơn. Về tín dụng, chính sách việc làm; đề nghị bổ sung nguồn tín dụng từ các tổ chức chính trị xã hội.
Đồng tình với đề nghị bổ sung nguồn tín dụng hỗ trợ giải quyết việc làm, ĐB Nguyễn Trần Phượng Trân (TPHCM) đề nghị bổ sung cụ thể danh mục đối tượng, trường hợp nào là đối tượng ưu tiên vay vốn, chứ không thể ghi “đối tượng ưu tiên” chung chung.
Về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, ĐB cho rằng không thể đánh đồng trường hợp người lao động bị chấm dứt hợp đồng, bị buộc thôi việc, bị sa thải được xem là hình thức kỷ luật. Quy định này dẫn đến họ không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp là thiệt thòi.
“Đây còn có thể tạo ra kẽ hở để doanh nghiệp, người sử dụng lao động lợi dụng nhằm sa thải, gây khó cho người lao động trong việc hưởng trợ cấp thất nghiệp”, ĐB Nguyễn Trần Phượng Trân lo lắng.
ĐB Tô Thị Bích Châu (TPHCM) lo lắng với tỷ suất sinh thấp, gia đình có điều kiện kinh tế khá giả sẽ sinh ra một thế hệ “gối ôm”, tức là một thế hệ được cha mẹ chăm bẵm quá mức dẫn đến thiếu kỹ năng tự lập, không thích lao động. Do đó, ĐB Tô Thị Bích Châu cho rằng, cần có chế tài, có quy định khuyến khích đối với những người đủ 18 tuổi trở lên (có đủ sức khỏe lao động) tham gia thị trường lao động.
Tạo điều kiện để nhà giáo phát triển
Góp ý về Luật Nhà giáo, ĐB Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) đồng tình việc có Luật Nhà giáo và kỳ vọng khi luật được thông qua sẽ tạo được chuyển biến tích cực trong ngành giáo dục, trong đó có giáo dục phổ thông, giáo dục nghề và giáo dục đại học. Tuy nhiên, khi xem các cơ sở xây dựng luật, ĐB đề nghị bổ sung căn cứ của các Luật Giáo dục 2019, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, Luật Giáo dục Đại học 2013 để làm cơ sở xây dựng dự án Luật Nhà giáo.
Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Thiện Nhân góp ý về môi trường xung quanh nhà giáo, mối quan hệ quản lý nhà giáo, khuyến khích nhà giáo không ngừng học tập, nâng cao trình độ để phát triển nghề. Tại cơ sở (nhà trường) là nơi rất quan trọng trong thực hiện việc khuyến khích, ghi nhận và đánh giá nhà giáo.
Nhấn mạnh đến vai trò rất quan trọng của người đứng đầu cơ sở giáo dục, ĐB Nguyễn Thiện Nhân đề nghị làm rõ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá người làm công tác quản lý các cơ sở giáo dục.
Đề cập đến việc tạo điều kiện để đội ngũ nhà giáo phát huy năng lực, đóng góp vào sự phát triển của các cơ sở giáo dục, ĐB Nguyễn Thiện Nhân lưu ý đến trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục trong việc tạo điều kiện về cơ sở vật chất, công cụ giảng dạy... để nhà giáo thực hiện nhiệm vụ của mình.
"Ngành giáo dục có đặc thù là giáo viên không lao động vì chức vụ cao hơn. Cơ bản, giáo viên dạy môn nào là dạy suốt đời môn đó, không có động lực để lên chức”, ĐB Nguyễn Thiện Nhân nhận định và cho rằng cần cơ chế để ghi nhận, trân trọng những nhà giáo này. Theo ĐB, đó có thể là chính sách tạo điều kiện để nhà giáo nâng cao trình độ, ghi nhận sự đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Đề cập đến những khó khăn của ngành giáo dục trong thời gian qua, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) nhấn mạnh tinh thần tôn sư trọng đạo là nền tảng lâu đời trong xã hội chúng ta. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, ngành giáo dục cũng gặp những khó khăn và tinh thần này đã vơi đi phần nào. Với Luật Nhà giáo này, ĐB băn khoăn có giải quyết những khó khăn của nhà giáo hay không trước cơn lốc xã hội hóa trong ngành giáo dục, nhất là những mặt trái đang diễn ra.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan cũng mong muốn, phải đưa nghề giáo trở lại vị thế là nghề cao quý, thầy cô giáo được xã hội tôn trọng hơn. Về chính sách lương, ĐB cũng cho rằng, vẫn còn nhiều giáo viên chưa thể sống được bằng đồng lương nhà giáo, nhất là giáo viên trẻ, sinh viên sư phạm mới ra trường.
Do vậy, ĐB Phạm Khánh Phong Lan đề nghị cần có thêm những chính sách thu hút sinh viên ngành sư phạm, cũng như các chính sách hỗ trợ, đãi ngộ giáo viên gắn bó với nghề, nhất là giáo viên vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, ĐB mong muốn có thêm chính sách lương đủ sức hấp dẫn thu hút nhân tài vào ngành giáo dục.
Xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nhấn mạnh, luật này rất có ý nghĩa với nhà giáo. Đồng thời cũng đồng tình với quan điểm của ĐB Phạm Khánh Phong Lan góp ý về chính sách tiền lương, chính sách thu hút nhân tài cho ngành giáo dục. ĐB cho rằng, chính sách tiền lương cho nhà giáo đã có trước đây, tuy nhiên lần này thì được luật hóa.
“Điều này thể hiện tinh thần "tôn sư trọng đạo". Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, ĐB Trần Hoàng Ngân khẳng định và đồng tình việc xếp lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.