Nhiều dự án chậm vì thủ tục
Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 5-2019 ước đạt hơn 91.300 tỷ đồng (tăng 17,8% so với cùng kỳ). Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt hơn 463.500 tỷ đồng (tăng 12%). Tuy nhiên, số người đi xe buýt giảm gần 13% so với cùng kỳ (105 triệu lượt khách so với 120,4 triệu lượt cùng kỳ); số vi phạm về hoạt động xây dựng tăng gần 50% so với cùng kỳ, trong đó xây dựng không phép tăng 70%.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhắc lại việc di dời khu sân khấu Sen Hồng, bến xe buýt, bãi giữ xe gắn máy... cũng như hoạt động khai thác ở tầng hầm Công viên 23-9 (quận 1) để xây dựng công viên theo quy hoạch. Yêu cầu Sở Xây dựng TPHCM trước 30-4-2019 phải báo cáo nhưng đã qua ngày 30-5-2019 vẫn chưa xác định thời hạn hoàn thành.
Nhìn nhận các đơn vị bàn giao mặt bằng chậm, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình cho biết, Sở Xây dựng xin phép UBND TP bố trí buổi làm việc để báo cáo chi tiết về vấn đề này. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng không thể để công việc kéo dài mãi. Trong giải quyết công việc cần phải xác định thời gian, lộ trình cụ thể, “nếu không thì không đi đến đâu hết”.
Các Phó Chủ tịch UBND TP khi chủ trì giao nhiệm vụ cho các đơn vị, phải xác định rõ thời gian hoàn thành.
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, có những dự án nhà đầu tư đang rất quan tâm, song việc giải quyết của TP lại rất chậm. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, từ lúc này trở đi, hàng tuần sẽ họp Tổ công tác về đầu tư trên địa bàn TP (do Chủ tịch UBND TPHCM làm tổ trưởng, các giám đốc sở là thành viên). Song song đó, các sở ngành cũng phải phối hợp chặt chẽ.
“Có những dự án liên quan đến các bộ ngành, nhưng về trách nhiệm thì TPHCM, các sở ngành phải quyết liệt đeo bám chứ không phải chỉ gửi văn bản rồi ngồi chờ”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh và phân tích, việc triển khai các dự án có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội TP phát triển.
Biến rác thành điện - tiếp tục chờ đợi
Đồng chí Nguyễn Thành Phong đặt vấn đề, hiện nay mỗi ngày TPHCM phát sinh khoảng 8.900 tấn rác sinh hoạt; chưa kể lượng rác công nghiệp, rác thải y tế. Lâu nay, TPHCM chủ yếu chôn lấp rác nên khi tổ chức hội nghị kêu gọi nhà đầu tư xử lý rác thành điện, nhiều đơn vị rất hào hứng. Song, vì sao đến nay cả năm vẫn chưa chọn được nhà đầu tư?
Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng nêu các lý do chậm trễ, như quy trình đấu thầu phải chặt chẽ, qua nhiều bước, dù rút gọn vẫn trên 540 ngày. Khi mở thầu có 10 đơn vị tham gia nhưng sau đó rút hết, không tham gia vì giá xử lý rác chưa phù hợp.
Dự kiến đầu tháng 7-2019, Sở TN-MT sẽ cung cấp thông tin để các nhà đầu tư nộp hồ sơ sơ tuyển để mở thầu lại... Như vậy, phải đến quý 2-2020 mới chọn được đơn vị trúng thầu.
“Trình tự thủ tục đã được rút ngắn thời gian. Nhưng do vướng các quy định chung nên dù muốn cũng không thể rút ngắn hơn thời gian lựa chọn nhà đầu tư chính thức được”, ông Nguyễn Toàn Thắng giải thích. Trước thông tin này, người đứng đầu UBND TP cho rằng, lẽ ra ngay từ ban đầu, sở phải chủ động dự báo tình hình để trở bộ kịp thời.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong lưu ý đã kết thúc nửa năm thực hiện kế hoạch, nên Văn phòng UBND TP cần rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các kết luận của Thường trực UBND TP đối với sở ngành, quận huyện khi duyệt kế hoạch năm 2019. Kết quả này phải gắn chặt với việc đánh giá hiệu quả công việc theo đề án chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong thông tin, ngày 6-6, TPHCM dự kiến tổ chức trao quyết định phê chuẩn của Thủ tướng cho 2 Phó Chủ tịch UBND TP: Thiếu tướng Ngô Minh Châu, Phó Giám đốc Công an TP và Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan - đã được các đại biểu HĐND TPHCM khóa IX bầu tại kỳ họp thứ 14 (kỳ họp bất thường) vào giữa tháng 5-2019. |