Sáng 16-8, tiếp tục chuyến công tác tại ĐBSCL, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy, thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cùng đoàn công tác đã làm việc với Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ về công tác phòng chống thiên tai năm 2023.
Đoàn đến kiểm tra, khảo sát khu vực sạt lở trên tuyến sông Trà Nóc thuộc quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Tại đây, đoàn công tác ghi nhận những khó khăn của địa phương trong phòng chống thiên tai. Đặc biệt là những khó khăn trong phòng chống, ứng phó sạt lở đang diễn biến hết sức phức tạp.
Đoàn công tác nghe địa phương báo cáo về tình hình sạt lở trên địa bàn |
Theo Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Cần Thơ, 7 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn xảy ra 34 đợt sạt lở bờ sông, làm bị thương 2 người, làm sạt hoàn toàn 8 căn nhà, sạt một phần và ảnh hưởng nghiêm trọng 19 căn nhà, tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở gần 2.000m. Địa bàn thành phố xảy ra 9 đợt mưa kèm dông lốc làm sập 4 căn nhà; tốc mái, hư hỏng 18 căn nhà.
TP Cần Thơ chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với phương châm “4 tại chỗ”; nâng cao hiệu quả và hoàn thiện hệ thống thu thập số liệu, hệ thống dự báo, cảnh báo và truyền tin ứng phó thiên tai, khắc phục hậu quả. Đồng thời, từng bước khắc phục những bất cập, hạn chế trong các khâu như: quan trắc, đo đạc, lưu trữ, xử lý số liệu đến xây dựng, hoàn thiện công nghệ dự báo; thực hiện bản tin dự báo khí tượng - thủy văn ngày càng chính xác hơn, góp phần hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Song, do ngân sách của địa phương còn nhiều khó khăn, hạn hẹp, chưa đủ vốn để đầu tư một số công trình kè chống sạt lở trọng điểm bức xúc. Đại diện lãnh đạo TP Cần Thơ kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ bố trí vốn đầu tư xây dựng cho thành phố để thực hiện đầu tư xây dựng một số công trình kè chống sạt lở trọng điểm bức xúc.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy ghi nhận những đề nghị của địa phương, đồng thời lưu ý: Trước mắt, địa phương phải theo dõi sát sao diễn biến của sạt lở. Những nơi có nguy cơ sạt lở cao, nguy hiểm, phải kiên quyết di dời người dân và tài sản để đảm bảo an toàn tính mạng, giảm thiệt hại. Phải có cơ chế chính sách, có khu tái định cư để di dời và hỗ trợ kế sinh nhai cho người dân.