Tại đối thoại, bà Vũ Thị Thương Huyền - Giám đốc hợp tác xã (HTX) chè Thịnh An, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên nêu vấn đề tích tụ đất đai quy mô đủ lớn cho HTX còn một số khó khăn, vướng mắc do hiện chưa có cơ chế, pháp lý rõ ràng để HTX đứng ra tích tụ đất đai.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đỗ Đức Duy cho biết, khi xây dựng Luật Đất đai để trình Quốc hội thông qua, Chính phủ đã rất chú trọng đến việc bổ sung chính sách về tập trung và tích tụ đất đai trong sản xuất nông lâm nghiệp, trong đó đã quy định cụ thể các phương thức để tập trung và tích tụ đất đai. Hiện có 5 hình thức để thực hiện tập trung và tích tụ đất đai, được luật quy định rõ.
“Khuôn khổ pháp lý về tập trung hay tích tụ đất trong sản xuất nông nghiệp quy định tại Luật Đất đai 2024 đã đầy đủ, rõ ràng, và khắc phục được vướng mắc của Luật Đất đai 2013 để chúng ta có quỹ đất đủ lớn theo nhu cầu của tổ chức kinh tế hay các hộ gia đình cá nhân trong sản xuất nông nghiệp. Khi có quỹ đất đủ lớn thì mới áp dụng được cơ giới hóa hay ứng dụng KH-CN, chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp, cũng để giúp nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường”, Bộ trưởng nói. Đây là những quy định mới, lần đầu tiên được áp dụng trên thực tế và có hiệu lực từ ngày 1-8-2024, Bộ trưởng đề nghị các địa phương hướng dẫn triển khai.
Bên cạnh đó, khi phê duyệt các quy hoạch nên định hướng các khu vực đó phải tạo ra các vùng sản xuất quy mô lớn đối với các sản phẩm nông lâm nghiệp đặc trưng để gia tăng giá trị cho bà con nông dân, vừa phát triển kinh tế của địa phương nhưng đồng thời bám quy hoạch của ngành để tạo ra vùng nguyên liệu quy mô lớn.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nấm Tam Đảo, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc cho rằng, việc xây dựng thí điểm 5 vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn về cây ăn quả, gỗ rừng trồng, cà phê, lúa gạo… ở 13 địa phương là chủ trương đúng và bước đầu các vùng nguyên liệu này đã cho kết quả tốt. Chính phủ cần xây dựng thêm nhiều vùng nguyên liệu tập trung cho các sản phẩm khác như tôm, cá tra, dược liệu, dâu tằm tơ...
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Bộ đã có quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, bởi ngành nông nghiệp đang còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, nếu không tập trung thì không thể nào có quy mô lớn, không có phân công lao động. “Đây không chỉ đơn thuần là tích tụ, tập trung đất đai, tính cân đo trên số tiền giữa người thuê với người đi thuê, mà nó là niềm tin, bà con cho thuê đất có lợi hơn bỏ đất hoang”, Bộ trưởng nói.
Các đại biểu nông dân cũng nêu câu hỏi về chính sách để "nâng tầm nông sản Việt" một cách đồng bộ, nhất là việc tập trung xây dựng các thương hiệu nông sản lớn mang thương hiệu Việt hướng đến mục tiêu xuất khẩu 100 tỷ USD trong tương lai không xa...
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, năm 2024 dự kiến chúng ta xuất khẩu được 62,5 tỷ USD trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, chiếm khoảng 15% trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, tuy chỉ có 15% nhưng lại vào túi của người dân, vào nền kinh tế của chúng ta. Hiện nay chúng ta có tới 20 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết với các nước, đã có 17 hiệp định đi vào thực thi, 3 hiệp định đang đàm phán. Nếu thực hiện cả 20 hiệp định này, chúng ta sẽ sở hữu thị trường hàng hóa lên tới 6 tỷ người tiêu dùng. Nghĩa là tiềm năng và dư địa còn rất lớn, cần đẩy mạnh khai thác.
Bộ trưởng cho rằng, trước hết phải quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi và áp dụng công nghệ mới trong quá trình sản xuất, hay nói cách khác là áp dụng công nghệ trong các khâu sản xuất để sản phẩm có khối lượng lớn và chất lượng ổn định, phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Tiếp đến phải tổ chức được các chuỗi liên kết trong sản xuất, từ sản xuất cho đến thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ phải là doanh nghiệp; chỉ doanh nghiệp mới có thể chuyển sản xuất của chúng ta từ nông nghiệp thuần túy sang nông nghiệp hàng hóa hay sang kinh tế nông nghiệp.
Đồng thời, cần hỗ trợ để tiếp cận thị trường, thị trường 100 triệu dân cũng là thị trường lớn, làm sao sản phẩm nông, lâm, thủy sản của chúng ta chứng minh được với người tiêu dùng Việt Nam là đảm bảo chất lượng để chiếm lĩnh thị trường trong nước. “Như Thủ tướng nói, chúng ta phải cung cấp cho thị trường những thứ họ cần chứ không phải những thứ ta có”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu…
Bộ trưởng Bộ Công thương cũng kiến nghị các địa phương có hình thức kết hợp sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sinh thái với du lịch; gắn du lịch với thương mại; gắn du lịch thương mại với xuất khẩu.