Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các tỉnh, thành phố tại 63 điểm cầu trong cả nước.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2021, tổng thu NSNN đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng, vượt 16,4% (tương đương 219.900 tỷ đồng) so với dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020; tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 18,6% GDP ước thực hiện (vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 15,5% GDP). Theo phân cấp quản lý, thu ngân sách trung ương ước đạt 106,7% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt 128,2% dự toán.
Năm 2021, chi NSNN năm đạt gần 1,9 triệu tỷ đồng, bằng 111,4% dự toán (trong đó, NSNN đã chi 74.000 tỷ đồng cho phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch). Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển chậm khi đến hết ngày 31-12-2021, ước tính chỉ đạt 74,7% dự toán Quốc hội quyết định, đạt 77,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (năm 2020 đạt 82,66%). Đến cuối năm 2021, dư nợ công khoảng 43,7% GDP, nợ Chính phủ khoảng 39,5% GDP, dư nợ vay nước ngoài quốc gia khoảng 39% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ dưới 23% tổng thu NSNN, trong phạm vi giới hạn an toàn cho phép.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao đóng góp quan trọng của ngành tài chính vào kết quả, thành tích chung của đất nước. Song, Thủ tướng cũng chỉ ra một số khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế của ngành như: vốn đầu tư toàn xã hội tăng thấp; vốn đầu tư công giải ngân chậm; thu ngân sách tăng so với năm 2020 nhưng chưa cao, nhiều khoản thu chưa bền vững (như tăng thu từ chứng khoán, bất động sản, dầu thô...); áp lực thâm hụt ngân sách gia tăng… Về thu, Thủ tướng nhấn mạnh, phân bổ thu chi, khen thưởng, kỷ luật cần làm sao để khuyến khích các địa phương thu ngân sách; có chính sách phân bổ nguồn lực cho các địa phương một cách công bằng, minh bạch; có chính sách khuyến khích thu, có tiêu chí phân bổ ngân sách công bằng, minh bạch, hạn chế tiêu cực, chạy chọt; phải tránh tình trạng địa phương có thể thu nhiều hơn nhưng lại không muốn thu để tránh bị áp dự toán thu năm sau cao hơn.
Về nhiệm vụ năm 2022, Thủ tướng yêu cầu cần có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Chính sách này phải nâng đỡ, thúc đẩy chính sách kia. Cùng với đó, phải tìm biện pháp tăng thu, tiết kiệm chi, rà soát kỹ, cắt giảm các khoản chi không cần thiết; kiểm soát bội chi, quản lý nợ công theo hướng có thể tăng bội chi để phục hồi và phát triển kinh tế nhưng bảo đảm cân đối phù hợp tình hình. “Làm sao dòng vốn tín dụng, tiền ngân sách phải đi vào đúng chỗ, kích thích, tạo động lực mới cho nền kinh tế”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng yêu cầu ngành tài chính phân tích, làm rõ những hạn chế, bất cập để làm tốt hơn công tác quản lý tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp, chống tiêu cực; phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm; kiểm soát phát hành trái phiếu doanh nghiệp, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn...