Trước đó, tại nghị trường Quốc hội chiều 5-6, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) có nêu câu hỏi:
Gần đây chúng ta thường vấp phải những luận điểm, luận cứ về quan điểm giữ gìn đạo đức văn hóa truyền thống của người Việt để lý giải cho những khó khăn hạn chế trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật và quản lý nhà nước.
“Đơn cử là chúng ta còn gặp lúng túng trong việc quy định cụ thể về hành vi dâm ô trẻ em, để phân định về hành vi cưng nựng trẻ em, yêu thương trẻ em hay như cách tiếp cận giữ gìn thói quen văn hóa ứng xử truyền thống trong góp ý trong Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia vừa qua”- đại biểu Hiền nêu và đề nghị, trước những biến động phức tạp của đời sống xã hội hiện nay, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL và Phó Thủ tướng đã nghĩ đến việc đến lúc chúng ta cần hình thành khung pháp lý để bảo vệ ngôn ngữ tiếng Việt, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chuẩn hóa khái niệm, quan niệm về văn hóa, đạo đức, nét đẹp truyền thống của dân tộc trong tiến trình xây dựng luật pháp và quản lý nhà nước bằng bộ ngôn ngữ tiếng Việt trung tính và khách quan chưa?
Đề cập tới câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền của đoàn Phú Yên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết phải nhờ bóc băng chính xác vì trong câu chất vấn của đại biểu có rất nhiều thuật ngữ.
Đọc nguyên văn câu chất vấn của đại biểu Hiền, Phó Thủ tướng cho rằng, chúng ta cần phải có khung pháp lý để bảo vệ ngôn ngữ tiếng Việt, để chuẩn hóa các khái niệm, quan niệm về văn hóa đạo đức, nét đẹp truyền thống.
Đồng tình với đề xuất này, song Phó Thủ tướng cho biết thực ra chúng ta đã có khung pháp lý với nhiều quy định, kể cả ở luật và các nghị định, thông tư, ngoài ra là các hương ước, quy chế ở từng địa phương, cơ quan.
Về tiếng Việt, tại kỳ họp thứ 4, đoàn đại biểu tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị xem xét luật về tiếng Việt. Việc này Bộ VH-TT-DL cũng đã có văn bản trả lời.
Nói thêm, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ rất quan tâm vấn đề này, đã giao cho Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, trong đó có Viện Ngôn ngữ nghiên cứu về 10 đề tài cấp bộ với nhiều khía cạnh khác nhau để chuẩn bị luận cứ cho việc hướng tới xây dựng luật này.
Khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ VH-TT-DL, Bộ KH-CN và Bộ GD-ĐT phối hợp thực hiện, Phó Thủ tướng cho biết thêm: Gần đây rất nhiều hoạt động bảo vệ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đã được các cơ quan, tổ chức chú ý. “Trong chương trình soạn thảo sách giáo khoa mới, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ GD-ĐT đặc biệt lưu ý vấn đề sự trong sáng của tiếng Việt ngay trong sách giáo khoa từ mẫu giáo trở lên”- ông nói.
Dành 3 phút cuối, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam muốn chia sẻ thêm những suy nghĩ tâm đắc của ông về vấn đề liên quan tín ngưỡng – tôn giáo đã được Quốc hội làm nóng nghị trường vào chiều 5-6 và sáng 6-6.
Khẳng định đồng tình phản đối, lên án tệ nạn mê tín dị đoan, chống lợi dụng tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Các vi phạm cần được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, vấn đề này không chỉ pháp luật mà còn liên quan tới việc tuyên truyền, phổ biến, vận động. Đặc biệt là vai trò của chính các tổ chức tôn giáo.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chủ trương của Đảng và Nhà nước là tôn trọng tự do tín ngưỡng của mọi người dân, tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động đúng quy định của pháp luật, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, xét trên giác độ văn hóa, Phó Thủ tướng cho rằng, khi một tôn giáo vào Việt Nam thì có sự giao thoa, ảnh hưởng qua lại với những nét truyền thống của dân tộc Việt Nam. Ví dụ khi Phật giáo vào Việt Nam thì bây giờ chúng ta hay nói là “Tam giáo đồng nguyên” và có nhiều tín ngưỡng truyền thống của Việt Nam, dần dần có sự dung hòa. Chúng ta có truyền thống thờ cúng tổ tiên, có tín ngưỡng đạo mẫu, bây giờ dung hòa dần vào. Vì vậy, khi nói về các vấn đề giáo pháp, thực hành tín ngưỡng thì nên lưu ý vấn đề này, vì đây là niềm tin, sự thực hành thường nhật của một bộ phận lớn người dân Việt Nam, chúng ta cần phải tôn trọng.
Trong quá trình đó, những gì mà không phù hợp thì chúng ta chỉ ra và vận động để loại bỏ dần. Phó Thủ tướng dẫn ví dụ trước đây truyền thống của người dân khi có người chết thì địa táng nhưng bây giờ chuyển sang hỏa táng. “Cái đó cũng là những nét truyền thống mà đã thay đổi” và chúng ta phải kết hợp với các tôn giáo để cùng vận động.
Theo Phó Thủ tướng, mê tín dị đoan, suy cho cùng là sự thiếu hiểu biết nên cần chú trọng tới phát triển giáo dục, văn hóa để nâng cao dân trí, để mọi người dân hiểu rằng hành vi này là đúng với tín ngưỡng tốt đẹp của dân tộc, đúng với giáo lý, hành vi kia là không đúng. Hành vi này trước đây đúng nhưng bây giờ không phù hợp với thế giới văn minh. “Những cái này cần có sự phân tích có tình có lý của những nhà nghiên cứu về tâm linh, tôn giáo, thực hành tôn giáo, đặc biệt là những người nghiên cứu về văn hóa” – Phó Thủ tướng nói.