Theo Bộ KH-ĐT, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 Thủ tướng Chính phủ giao cho 8 bộ, ngành, cơ quan trung ương thuộc Tổ công tác số 2 là 3.477 tỷ đồng. Đến nay, các bộ, ngành, cơ quan trung ương đã phân bổ, giao chi tiết cho từng nhiệm vụ, dự án gần 3.218 tỷ đồng, đạt 92,55%. Nguyên nhân chưa phân bổ, giao hết kế hoạch đầu tư công là số vốn này dự kiến cho các nhiệm vụ, dự án khởi công mới nhưng do chưa có quyết định đầu tư, quyết định phê duyệt dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch nên chưa đủ điều kiện giao. Ước giải ngân 5 tháng của 8 bộ, ngành, cơ quan trung ương tính đến 31-5 khoảng 337 tỷ đồng, đạt 9,7% kế hoạch, vẫn rất thấp so mức bình quân chung của cả nước (20,27%).
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, các khó khăn vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu do tình hình giá nguyên vật liệu tăng cao; vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng… Đối với các dự án khởi công mới, đa số các công trình đang trong giai đoạn đấu thầu và thương thảo hợp đồng. Một số dự án được bố trí vốn nhiều để đền bù, giải phóng mặt bằng nhưng đến nay tiến độ thực hiện còn rất chậm nên giải ngân thấp. Quá trình triển khai các dự án cũng mất nhiều thời gian cho việc thực hiện các thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế dự toán công trình, khi đó mới đủ điều kiện tổ chức đấu thầu thi công. Do đó tiến độ giải ngân vốn của những dự án khởi công mới chỉ được đẩy mạnh vào những tháng cuối năm…
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong cả nước xấp xỉ với kết quả thực hiện cùng kỳ năm 2021. Chỉ rõ các nguyên nhân làm công tác giải ngân bị chậm, Phó Thủ tướng yêu cầu từng bộ, ngành, cơ quan trung ương phải có kế hoạch giải ngân thật cụ thể đối với từng dự án. Phải tiến hành thành lập các nhóm, tổ công tác hoặc bố trí người trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, thường xuyên nắm bắt tình hình, chủ động tháo gỡ khó khăn đối với từng dự án đầu tư công. Nếu sau một thời gian không có chuyển biến phải có giải pháp giải quyết dứt điểm, tránh để bị động, sau này khó xử lý. Trên cơ sở rà soát các dự án, nếu các bộ, ngành cam kết giải ngân 100% được thì tiếp tục nỗ lực để thực hiện theo đúng mục tiêu đề ra. Còn nếu không thể thực hiện được phải sớm đề xuất điều chuyển phù hợp.