Một số ĐB đề nghị cần mạnh mẽ hơn nữa trong phân cấp, phân quyền cho Hà Nội.
ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề nghị quy định đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố trong quyết định một số nội dung thuộc tổ chức bộ máy, biên chế là một bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho thành phố thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù. Việc phân quyền cho HĐND thành phố được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP Hà Nội, quận, huyện, thị xã, tạo sự chủ động, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu kịp thời trong công tác quản lý nhà nước hiện nay. Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu quy định thêm một số điều kiện, yêu cầu đặt ra để đảm bảo sự thận trọng, chặt chẽ hơn đối với việc thành lập các cơ quan mới này.
ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng). Ảnh: QUANG PHÚC |
ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, từ thực tiễn triển khai cơ chế chính sách đặc thù tại một số địa phương như TPHCM, TP Đà Nẵng…, việc tổ chức mô hình thành phố trong thành phố của Hà Nội sẽ tạo bước đột phá cho Thủ đô phát triển trong giai đoạn tới. ĐB cũng đề nghị xem xét nâng tỷ lệ đại biểu HĐND thành phố hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 30% hoặc 40% như đối với đại biểu Quốc hội để đảm bảo hiệu quả hoạt động của HĐND thành phố.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị nghiên cứu mô hình chính quyền đô thị của Đà Nẵng và TPHCM về không tổ chức HĐND cấp quận để đạt hiệu quả hoạt động cao; nhất trí tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố; tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, cân đối giữa các ngành.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: QUANG PHÚC |
Đáng chú ý, vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô được các ĐB quan tâm. Luật đã thiết kế một khoản về thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thủ đô. Các ý kiến cho rằng, đây là nội dung quan trọng, tạo ra cú hích trong cơ chế thu hút, trọng dụng, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, để quy định có tính khả thi hơn, ĐB cho rằng cần trao quyền cho HĐND thành phố ban hành các văn bản quy định cụ thể hơn với các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng, để có quy định về chế độ, chính sách cho phù hợp trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ, để thu hút, giữ chân được người tài đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô.
ĐB Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) cho rằng, thực tiễn cho thấy, không thể chỉ đưa ra một số ưu đãi, chờ người tài đến với mình mà phải chủ động tìm kiếm, phát hiện, từ đó lôi kéo để thu hút họ. "Vì vậy, chỉ thu hút và trọng dụng nhân tài là chưa đủ, mà cần phải có chính sách tìm kiếm và phát hiện nhân tài. Đồng thời cần làm rõ hơn khái niệm nhân tài”, ĐB Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị.
ĐB Tô Ái Vang (Sóc Trăng) quan tâm đến quy định liên quan đến phát triển nhà ở, cải tạo chung cư tại các đô thị, đề nghị rà soát có cơ chế chính sách về phát triển, cải tạo chung cư cũ có khác biệt gì so với các quy định trong Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Theo ĐB Tô Ái Vang, cần có cơ chế chính sách đặc thù riêng cho Hà Nội để thúc đẩy mạnh mẽ việc đầu tư các chung cư cũ ở Thủ đô hiện nay.
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu tranh luận về quy định ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại một số điểm vi phạm. ĐB cho rằng, biện pháp này chỉ nên áp dụng cho một số lĩnh vực, không nên áp dụng tất cả. Bên cạnh đó, chỉ nên áp dụng với các trường hợp đã bị lập biên bản xử phạt rồi nhưng vẫn cứ tiếp tục vi phạm mà không chịu khắc phục.
ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) tranh luận tại hội trường sáng 27-11. Ảnh: QUANG PHÚC |
Cũng có một số ý kiến không đồng thuận với dự thảo luật về vấn đề phân cấp phân quyền cho Thủ đô Hà Nội trong quản lý một số lĩnh vực như xây dựng đô thị, quy hoạch…
Tranh luận lại, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, từ thực tiễn TPHCM, các nội dung trong dự thảo luật là rất phù hợp. Theo ĐB, Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quan trọng quốc gia, trái tim của cả nước, là đô thị đặc biệt quan trọng, là bộ mặt quốc gia, là cửa ngõ giao lưu, hội nhập quốc tế và thường xuyên đón tiếp các nguyên thủ quốc gia. Do đó, việc phân cấp, ủy quyền cho Hà Nội nhiều hơn nữa là rất cần thiết.
ĐB Trần Hoàng Ngân cũng mong muốn lãnh đạo Thủ đô nên ưu tiên lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ hơn là lĩnh vực kinh tế; tập trung bảo tồn các di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, các giá trị văn hóa người Hà nội, đặc biệt các vị trí có giá trị lịch sử thiêng liêng tại các quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng...
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đối với Luật Thủ đô (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc nghiên cứu kỹ lưỡng đầy đủ, tiếp thu; tổ chức thêm việc lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, các nhà quản lý, các hiệp hội; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự thảo luật và tổ chức hội nghị ĐB Quốc hội chuyên trách để cho ý kiến đối với dự thảo luật trước khi hoàn thiện trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7…
Đối với 3 báo cáo của Chính phủ về thí điểm áp dụng mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, các ĐB cơ bản thống nhất, chỉ có 2 ý kiến trao đổi thêm.
Về sơ kết thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo bổ sung kết luận của Quốc hội về nội dung này vào nghị quyết chung của kỳ họp thứ 6 trình Quốc hội thông qua tại phiên bế mạc, theo hướng tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn các nghị quyết của Quốc hội để đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới.