Chiều 28-4, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp với đại diện Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trên cả nước… về đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước trong các tháng tới.
Đánh giá tình hình tình hình cung ứng xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, từ cuối năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu trong nước diễn ra khá ổn định, nguồn cung có lúc dồi dào, giá cả cơ bản bám sát giá thế giới.
Tuy nhiên, trước diễn biến khó đoán định của thị trường thế giới, cùng với chủ trương phục hồi đà tăng trưởng của đất nước nếu đạt như kỳ vọng, chúng ta cần có giải pháp đủ mạnh và khả thi trong thời gian tới để đảm bảo đáp ứng đủ nguồn cung cho thị trường.
Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, nguồn cung trong nước vẫn bị ảnh hưởng bởi hoạt động của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn gây ra các tình huống bị động.
Kỹ sư của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn trong ca sản xuất. Ảnh: Báo Thanh Hóa |
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ đạo các nhà máy lọc dầu chủ động trong mọi phương diện đảm bảo hoạt động ổn định, đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường trong nước theo cam kết.
Trường hợp có sự cố phải báo trước hàng tháng, phải hỗ trợ bồi thường, tránh thiệt hại cho các bên liên quan, khẩn trương làm việc với hai nhà máy lọc dầu (Bình Sơn và Nghi Sơn) để công bố, công khai kế hoạch và khả năng sản xuất, khả năng cung ứng cho doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối theo từng tháng, quý trong năm.
Riêng đối với Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị cần có thái độ cứng rắn và yêu cầu quyết liệt trong tái cơ cấu doanh nghiệp, đảm bảo nguồn cung ổn định, thực hiện đúng cam kết và phải chịu trách nhiệm về vật chất, thậm chí về pháp lý, nếu vi phạm, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công thương, các doanh nghiệp đầu mối phải có cam kết chặt chẽ với các thương nhân sản xuất xăng dầu, có chế tài xử lý khi một trong các bên vi phạm, để bảo đảm các thương nhân sản xuất thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ cung cấp xăng dầu cho thương nhân đầu mối.
Đồng thời, các doanh nghiệp đầu mối phải chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời các số liệu, dữ liệu cho cơ quan chức năng (Bộ Tài chính và Bộ Công thương) để có cơ sở cập nhật chính xác giá cơ sở bán lẻ kinh doanh xăng dầu (tránh thất thoát cho hệ thống kinh doanh).
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu mối cần ngồi lại với thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ để có được tiếng nói chung và hài hòa về lợi ích.