Bộ VH-TT-DL

Phải bảo vệ cây cổ thụ nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích

Bộ VH-TT-DL nói rõ, việc bảo vệ các cây cổ thụ có giá trị nằm ngoài di tích là hết sức cần thiết.
Phải bảo vệ cây cổ thụ nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích

Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL vừa có văn bản số 4300/BVHTTDL-DSVH gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong đó có nhấn mạnh việc cần phải bảo vệ, quả lý các cây cổ thụ nằm ngoài khu vực bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Văn bản nói rõ: Trong thời gian qua, Bộ VH-TT-DL nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội, một số địa phương và cơ quan báo chí phản ánh hoạt động liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa do các tổ chức xã hội nghề nghiệp thực hiện, trong đó Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cấp Bằng công nhận “Cây di sản Việt Nam”, Hội sinh vật cảnh Việt Nam cấp Bằng công nhận “Cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam”.

Bộ VH-TT-DL đã nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên-môi trường, di sản văn hóa và Điều lệ của các tổ chức nêu trên và nhận thấy các tổ chức này không có chức năng, thẩm quyền công nhận và cấp bằng các danh hiệu này. Vì vậy, Bộ VH-TT-DL đã có Công văn số 932/BVHTTDL-TTr ngày 10-3-2017 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phối hợp chỉ đạo cơ quan chức năng không tổ chức các hoạt động vinh danh và cấp bằng/giấy chứng nhận do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp cấp/trao.

Đồng thời, Bộ VH-TT-DL cũng có Công văn số 3754/BVHTTDL-TTr ngày 6-9-2017 báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ngày 29-9-2017, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo: “Các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quản lý nhà nước về hội, trong đó lưu ý quản lý chặt chẽ việc công nhận, tôn vinh, phong tặng các danh hiệu theo quy định của pháp luật và điều lệ của hội”.

Những cây bàng cổ thụ đã trải qua biết bao thăng trầm cùng với lịch sử của Côn Đảo

Bộ VH-TT-DL cũng nói rõ, theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, đối với các loại cây cổ thụ nằm trong khu vực bảo vệ của di tích đã được xếp hạng thì được bảo vệ theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Tuy nhiên, còn có những cây cổ thụ có giá trị nằm ngoài di tích, việc bảo vệ các cây này là hết sức cần thiết.

Do đó, Bộ VH-TT-DL đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét việc cấp Bằng công nhận “Cây di sản Việt Nam” của Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, “Cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam” của Hội sinh vật cảnh Việt Nam, đồng thời cho ý kiến về việc quản lý đối với những cây cổ thụ nằm ngoài di tích để có phương án bảo vệ phù hợp với quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân các địa phương và các tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Tin cùng chuyên mục