Các góp ý hiện đang tập trung vào những vấn đề liên quan đến hội đồng trường, quy định giảng viên cơ hữu, nghiên cứu khoa học, mở ngành, đào tạo tiến sĩ; phân tầng, xếp hạng ĐH; chính sách đầu tư; xã hội hóa giáo dục; văn bằng; thời gian đào tạo… Đáng chú ý, nhiều ý kiến tập trung góp ý về chức năng của hội đồng trường.
Làm rõ chức năng của hội đồng trường và hiệu trưởng
Theo Bộ GD-ĐT, để thực hiện tự chủ, cần xác lập cơ chế quản trị trong trường ĐH, nhưng quy định của Luật GDĐH hiện hành chưa làm rõ được vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng trường trong trường ĐH công lập, hội đồng quản trị trong trường ĐH tư thục và trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Đặc biệt là các quy định của luật chưa phân định rõ được chức năng quản trị và chức năng quản lý giữa hội đồng trường với hiệu trưởng trong mỗi cơ sở GDĐH. Bên cạnh đó, việc bổ nhiệm hiệu trưởng các cơ sở GDĐH do nhiều cơ quan chủ quản chỉ đạo (bộ, ngành, địa phương), nên chức danh hiệu trưởng phụ thuộc vào hiện trạng công tác cán bộ của từng cơ quan chủ quản, chưa được chuẩn hóa trên thực tế.
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo luật, đã có nhiều ý kiến đóng góp. Trong đó, một trong vấn đề được các trường ĐH quan tâm nhất là xác định quyền lực thực sự cho các hội đồng trường Nhiều ý kiến cho rằng, hội đồng trường là yếu tố mấu chốt để thực hiện tự chủ ĐH. Trong khi đó, thực trạng hiện nay như Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc nói là nhiều trường có hội đồng trường được thành lập nhưng không có thực quyền. Luật GDĐH sửa đổi lần này sẽ phải giải quyết được vấn đề này.
Theo dự thảo, Bộ GD-ĐT đưa ra 2 phương án về hội đồng trường để xin ý kiến Chính phủ. Một là, hội đồng trường bầu hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng, trình Bộ GD-ĐT công nhận. Điều này sẽ bảo đảm thực hiện tự chủ ĐH, hội đồng trường là cơ quan quản trị, quyền lực cao nhất trong trường ĐH nên tự chủ trong việc bầu hiệu trưởng. Bộ GD-ĐT không can thiệp vào công tác nhân sự và quá trình bầu hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của hội đồng trường; chỉ công nhận nếu kiểm tra hồ sơ thấy đã thực hiện đầy đủ các quy trình và tiêu chuẩn được quy định, nhằm quản lý chức danh hiệu trưởng trên mặt bằng tiêu chuẩn năng lực chung trong toàn hệ thống. Hai là, hội đồng trường bầu hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng, trình cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận. Nếu theo phương án này thì dù vẫn bảo đảm quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH công lập trong công tác nhân sự, nhưng sẽ có những hạn chế nhất định trong việc thống nhất thực hiện tiêu chuẩn năng lực chung trên toàn hệ thống.
Hiện nay, một số trường ĐH ủng hộ phương án hội đồng trường bầu hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng, trình cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận, vì Bộ GD-ĐT chỉ nên ban hành những tiêu chí giám sát, kiểm tra thực hiện các tiêu chuẩn hiệu trưởng chứ không nên công nhận. Tuy nhiên, một số trường lại ủng hộ theo hướng Bộ GD-ĐT công nhận.
Thành phần ngoài nhà trường nên nhiều hay ít?
Vấn đề tỷ lệ thành viên tham gia hội đồng trường cũng được nhiều trường ĐH quan tâm. Ông Nguyễn Bình Nhự, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Nông Lâm Bắc Giang, cho rằng phải tăng số cán bộ, giảng viên trong trường tham gia hội đồng trường, giảm bớt số lượng thành viên là người ngoài trường (tỷ lệ 30% theo quy định hiện nay là nhiều) nhằm đảm bảo các quyết định của hội đồng trường đến hoạt động chuyên môn của trường ĐH có tính sát thực. Theo ông Nguyễn Đình Thi, các đại diện từ bên ngoài có thể nắm chuyên môn của họ nhưng nếu nói về quy trình, tổ chức đào tạo ĐH thì không chắc. Thực tế cho thấy, rất cần thành viên bên ngoài để hiểu rõ nhu cầu xã hội, nhu cầu thực tế trong lĩnh vực cần gì để nhà trường có thể xây dựng kế hoạch đào tạo. Tuy nhiên, thành viên này quá nhiều thì cũng không có lợi, nên giảm xuống ít nhất còn 20%. Tương tự, ông Nguyễn Văn Nội, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), cũng cho rằng các thành viên bên ngoài trường chỉ nên 20%; còn số lượng các cán bộ, giảng viên trong các khoa, bộ môn cần tăng lên, chứ không chỉ như dự thảo đưa ra là tối thiểu 25% tổng số thành viên.
Ở chiều ngược lại, bà Lê Minh Thắng, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, lại cho rằng thành phần ngoài trường nên tăng vì đây là cộng đồng xã hội, doanh nghiệp, sự kết nối với trường sẽ giúp tạo việc làm cho sinh viên, đưa ra những ý kiến, kinh nghiệm quý báu cho nhà trường. Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GDĐH, hội đồng trường ở các nước phát triển có đến khoảng 50% - 60% là thành viên bên ngoài. Họ là những người nắm và đưa tính định hướng thị trường vào trong trường để nhà trường phát triển đúng cơ chế thị trường. “Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét thêm về vấn đề này”, bà Phụng nói.
Dù có quan điểm trái chiều nhau, nhưng các ý kiến đều thống nhất ở một điểm: Làm thế nào để hội đồng trường có thực quyền, đây là điều quan trọng nhất mà việc sửa Luật GDĐH lần này phải làm được. Một số trường cho rằng, chủ tịch hội đồng trường phải nằm ngoài trường, bởi nếu đưa bất kỳ ai trong trường lên làm chủ tịch hội đồng trường thì chắc chắn quyền lực sẽ không qua được hiệu trưởng. Mô hình hội đồng trường đối với trường ĐH công phải như mô hình hội đồng quản trị của các trường ngoài công lập thì mới phát huy được hết vai trò, đáp ứng được kỳ vọng của xã hội về việc hội đồng trường là cơ quan quyền lực nhất trong trường ĐH…
Ông Đào Văn Đông, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải, đồng tình phương án 2 là trình cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận hiệu trưởng. Theo ông, phương án này có thể đảm bảo nếu sau này không còn cơ chế bộ chủ quản thì vẫn áp dụng được. Ông Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, cũng kiến nghị chọn phương án 2 vì sẽ thuận lợi hơn. “Nếu chỉ trình Bộ GD-ĐT thôi thì vai trò của bộ chủ quản như thế nào? Nếu sau này xem xét lại cơ chế bộ chủ quản, thì cách này cũng giúp dễ khắc phục hơn về luật”, ông Nguyễn Đình Thi phân tích.