Phải bảo đảm đầu tư công là vốn “mồi”

Tổng số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 là dưới 5.000 (đến thời điểm hiện nay khoảng 4.979 dự án), giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016-2020, trong đó thu hồi dứt điểm số vốn ứng trước kế hoạch, hoàn thành các dự án chuyển tiếp, khởi công mới khoảng 2.236 dự án.
Các ĐBQH TPHCM dự họp sáng 24-7. ẢNH: VIẾT CHUNG
Các ĐBQH TPHCM dự họp sáng 24-7. ẢNH: VIẾT CHUNG

Sáng 24-7, Quốc hội thảo luận về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 mà Chính phủ vừa trình Quốc hội.

Rà soát thận trọng nguồn thu để bảo đảm tính khả thi của kế hoạch

Chính phủ dự kiến tổng mức vốn NSNN thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.870.000 tỷ đồng, bao gồm 1.500.000 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương (NSTW) và 1.370.000 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương (NSĐP). Dự phòng vốn NSTW là 10% (150.000 tỷ đồng) bằng với mức dự phòng giai đoạn 2016-2020; Mức dự phòng NSĐP do HĐND tỉnh quyết định.

Tổng số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 dưới 5.000 (đến thời điểm hiện nay khoảng 4.979 dự án), giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016-2020, trong đó thu hồi dứt điểm số vốn ứng trước kế hoạch, hoàn thành các dự án chuyển tiếp, khởi công mới khoảng 2.236 dự án.

Chính phủ trình Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong đó thông qua danh mục 3 Chương trình mục tiêu quốc gia với tổng số vốn NSTW chi cho đầu tư là 100.000 tỷ đồng (phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 50.000 tỷ đồng; xây dựng nông thôn mới 30.000 tỷ đồng; giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững 20.000 tỷ đồng).

Phải bảo đảm đầu tư công là vốn “mồi” ảnh 1 Phát biểu tại tổ TPHCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc phân bổ dự án đầu tư cần bố trí khoa học, tính toán chặt chẽ. Ảnh: QUANG PHÚC

Thẩm tra về nội dung này, Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội cho rằng, vốn đầu tư công dự kiến tăng 1,43 lần so với số kế hoạch giai đoạn 2016-2020 là tích cực. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát thận trọng nguồn thu để bảo đảm tính khả thi của kế hoạch, giữ vững an toàn nợ công. Việc xác định dự toán chi đầu tư hàng năm phải dựa trên cơ sở thu NSNN thực tế từ thực lực của nền kinh tế, vay đầu tư trong khả năng trả nợ, không tạo áp lực trả nợ quá lớn cho giai đoạn sau. Bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng với các nhiệm vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Ủy ban thống nhất dự kiến tổng mức vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2,870 triệu tỷ đồng. Ủy ban cơ bản thống nhất với dự kiến bố trí khoảng 104.533,847 tỷ đồng để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia. Trong đó, đối với 38.738 tỷ đồng để đầu tư các đoạn tuyến thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 2).

Ủy ban nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc hỗ trợ thực hiện các dự án kết nối, có tác động liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó kết hợp nguồn vốn chủ đạo của trung ương và địa phương.

Đối với dự kiến hoàn thành 1.700km tuyến đường ven biển trong 5 năm, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS và các ý kiến trong UBTVQH cho rằng khó khả thi vì, tuyến đường này đi qua những địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, khó bảo đảm bố trí NSĐP để thực hiện. Do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo, giải trình rõ nội dung này.

TPHCM rất thiếu vốn cho đầu tư
Thảo luận về nội dung này, tại tổ TPHCM, nhiều ý kiến đồng tình với phương án Chính phủ trình nhưng lưu ý một số vấn đề.
ĐB Trần Anh Tuấn nhận xét, năm 2020 chúng ta đã giải ngân được trên 90% vốn đầu tư công, đó là kết quả rất tốt, cần phát huy cho giai đoạn tới. Theo ĐB, năm 2020 đầu tư công là vốn mồi, đã thu hút được 92 triệu tỷ đồng vốn đầu tư xã hội, bổ sung nguồn lực rất lớn cho nền kinh tế, tạo tính lan tỏa mạnh. Tỷ trọng vốn đầu tư nhà nước trong tổng vốn đầu tư xã hội giảm, cho thấy vốn đầu tư công đã trở thành vốn mồi thu hút đầu tư xã hội, đó là xu thế rất tích cực. Do đó, đối với giai đoạn tới đây, quan điểm vốn đầu tư công cần tiếp tục bảo đảm tính chủ đạo, mang tính dẫn sắt, là vốn mồi để thu hút, lan tỏa vốn xã hội.

Với riêng TPHCM, nhu cầu cần tới 673 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư cho chiến lược phát triển 5 năm tới. Ngân sách Trung ương cân đối chỉ khoảng 155 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 21%, rất nhỏ so với nhu cầu của TPHCM. Trong khi đó TP đã tính toán mọi nguồn, cân đối chung cũng chỉ được 262 nghìn tỷ đồng, như vậy tổng cộng các nguồn vẫn chỉ đạt khoảng 40% so với nhu cầu vốn, rất thiếu. Trong khi đó, TPHCM cần rất nhiều dự án cấp bách, nhất là những dự án giao thông liên vùng, nhu cầu vốn cao. Trong tờ trình của Chính phủ giao Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cân đối các dự án chưa có chủ trương đầu tư, trong khi đó, những dự án của TPHCM đều có đã chủ trương đầu tư và hiện rất cần vốn. ĐB đề nghị Quốc hội cân nhắc để đầu tư những dự án liên vùng, trọng điểm, có vai trò rất quan trọng đối với phát triển của TPHCM và cả vùng lân cận.

ĐB Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM nêu ý kiến, các dự án lớn, liên vùng thì phải trình Quốc hội, nhưng đề nghị thí điểm để một số địa phương trọng điểm như TPHCM, Hà Nội, Bình Dương… được tự chịu trách nhiệm làm một số dự án cần thiết, phù hợp với thực tiễn địa phương. Những dự án đó có thể địa phương tự phê duyệt đầu tư, như vậy cũng đỡ gánh nặng phê duyệt dự án cho Chính phủ. ĐB cũng cho rằng, không nên phân bổ dự án đầu tư công một cách dàn trải mà nên tập trung những dự án, những địa bàn trọng điểm, có sức lan tỏa, tạo động lực.


Phải bảo đảm đầu tư công là vốn “mồi” ảnh 2 Đoàn ĐBQH TPHCM thảo luận sáng 24-7. Ảnh: QUANG PHÚC

Phát biểu tại tổ TPHCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc phân bổ dự án đầu tư cần bố trí khoa học, tính toán chặt chẽ để bảo đảm hiệu quả cao nhất, đóng góp cho sự phát triển. Theo đồng chí, nhu cầu đầu tư của chúng ta là rất lớn, nên cần tìm kiếm, huy động thêm các nguồn lực cả trong và ngoài nước. Chú trọng cân đối đầu tư, ưu tiên đầu tư vùng có khả năng tạo động lực, bởi đầu tư hiệu quả thì kinh tế sẽ tăng trưởng. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần chú trọng đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông. Đầu tư thỏa đáng cho phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là vùng ĐBSCL.

Chủ tịch nước cũng đồng tình rằng khi triển khai các dự án đầu tư công, cần làm tốt khâu giải phóng mặt bằng, tránh tình trạng khâu này làm chậm dự án. Muốn thế phải bảo đảm công khai, minh bạch trong bồi thường cho người dân, tạo đồng thuận cao cho nhân dân.

Tin cùng chuyên mục